CÁCH NHẬN BIẾT VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG
Cập nhật lúc: 22/03/2019
Cập nhật lúc: 22/03/2019
Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo đến bà con chăn nuôi chủ động công tác phòng chống dịch bệnh, cách nhận biết, phòng trị và xử lý khi có dịch bệnh lở mồm long móng
Từ ngày 26/01/2019 đến ngày 17/03/2019, theo thống kê của Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra trên 8 huyện, thị xã và thành phố (Cư Kuin, Buôn Hồ, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Buk, Buôn Ma Thuột, Ea Sup) với tổng số lợn mắc bệnh là 633 con, tiêu hủy 626 con và dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nguồn vaccin để tiêm phòng bao vây chống dịch, Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo đến bà con chăn nuôi chủ động công tác phòng chống dịch bệnh, cách nhận biết, phòng trị và xử lý khi có dịch bệnh LMLM như sau:
1. Nguyên nhân
Bệnh LMLM do một số chủng vi rút LMLM (A,O,C, Asia 1, Sat 1, Sat2, Sat 3) gây ra. Vi rút có thể tồn tại 2-4 tuần ở ngoài môi trường tự nhiện với nhiệt độ 20-25oC. Vi rút bị diệt ở nhiệt độ 60-70oC trong 5-10 phút, ở nhiệt độ lạnh 0oC vi rút có thể tồn tại đưuọc 425 ngày.
2. Triệu chứng
- Thời gian ủ bệnh: 2-3 ngày, có thể kéo dài 12 ngày.
- Lợn mắc bệnh có biểu hiện: Sốt cao 40-42oC. Sau 1-2 ngày, ở niêm mạc miệng, lợi, răng, trên lớp biểu bì lưỡi, niêm mạc mũi và vùng da xung quanh mũi xuất hiện các đám mụn nước, sau mọng mủ,phồng rộp, lở loét, làm tróc niêm mạc miệng, lưỡi va mũi từng mãng để lại các vết sẹo đỏ loét. Do vậy, lợn chảy nhiều dãi và ăn uống rất khó khăn. Cùng thời gian có mụn loét ở miệng, vùng quanh móng chân, kẽ móng và đệm móng cũng mọc lên các đám mụn loét như ở miệng; nếu bệnh nặng do nhiễm khuẩn, móng chân có thể bong da làm cho con vật nằm tại chỗ không đi lại được.
- Đối với lợn nái: mụn có thẻ mọc ở quanh núm vú. Do vậy khi lợn nái nuôi con bị bệnh không cho lợn con bú.
- Lợn con theo mẹ và sau cai sữa bị bệnh nặng có thể có biến chứng viêm cơ tim, viêm ruột ỉa chảy và tỷ lệ chết rất cao 30-60% só lợn bệnh.
- Lợn nái mang thai thường bị sảy thai
3. Điều trị
Khi lợn bị bệnh LMLM phải tiêu hủy vì bệnh lây lan nhanh và không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với con vật bị bệnh. Tuy nhiên, người chăn nuôi có thể dùng thuốc sát trùng (Iodin 1%, Xanh Metylen) hay nước lá chát (ổi, sung) bôi lên các vị trí có mụn loét ở miệng và chân.
4. Phòng bệnh
* Khi chưa có dịch
- Tiêm phòng vaccin LMLM 6 tháng/lần. Lợn được tiêm từ 2 tháng tuổi trở lên
- Phòng bệnh bằng các biện pháp thú y: Thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày, phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần.
- Thực hiện nghiêm ngặt khi xuất nhập lợn ra vào trại
- Chăm sóc nuôi dưỡng lợn đúng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo khẩu phần phù hợp với lứa tuổi của lợn.
* Khi có dịch
- Phát hiện kịp thời các súc vật bị bệnh và xử lý kịp thời. Súc vật chết phải tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn sâu theo quy định thú y
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ và sử dụng thịt lợn bệnh và lợn trong ổ dịch
- Chuồng trại và khu vực chăn nuôi có lợn ốm, lợn chết phải thực hiện quét dọn sạch, xử lý phân và rác thải, phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần. Để trống chuồng 3-4 tuần trước khi nuôi lại.
- Tiêm phòng vaccin LMLM cho toàn đàn lợn ở các vùng bị uy hiếp xung quanh ổ dịch. Không tiêm vaccin vào thẳng ổ dịch.
Cao Phúc
(Tổng hợp)