Tọa đàm Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn
Cập nhật lúc: 18/08/2023
Cập nhật lúc: 18/08/2023
Nhằm đánh giá vai trò, vị thế, năng lực, sự cần thiết phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu một số mô hình tiêu biểu. Bên cạnh đó, thảo luận phương pháp, cách tiếp cận và giải pháp phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Tọa đàm "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn” vào ngày 16/8/2023 tại Hà Nội do đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Cao Đức Phát - Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng chủ trì.
Tham dự Tọa đàm trực tiếp tại Hà Nội có các đại biểu: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TW Hội Nông dân Việt Nam, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức quốc tế: JICA, UNDP, Ngân hàng thế giới, FAO, IFAD, CIAT, ADB, IRRI, Quỹ Saemaul, ICRAF, ACIAR…, các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các chuyên gia, diễn giả và đặc biệt chương trình được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Cao Đức Phát - Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đồng chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk do đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và sự tham gia của các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Hội nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện các cơ quan, chuyên gia, diễn giả đã thẳng thắn trao đổi, đưa ra những ý kiến về vai trò của cộng đồng, phát triển cộng đồng làm nền tảng trong phát triển nông thôn góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng; xây dựng nếp sống mới, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, tự chủ sáng tạo của người dân nông thôn.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD cho rằng: Phát triển cộng đồng dựa trên nguyên tắc trao quyền và các nguồn lực cho các tổ chức thực sự tự nguyện của nông dân: dân biết dân bàn kế hoạch phát triển thôn, xã và phát triển chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; dân tự lập nhóm để tạo ra vốn xã hội, không dựa vào bao cấp của nhà nước, tiếp cận khoa học kỹ thuật và thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp, khuyến nông và truyền thông…
Từ thực tiễn triển khai nhiều chương trình, dự án, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP chia sẻ 4 vấn đề: (1) Chỉ khi nào cộng đồng tham gia chủ động, đầy đủ và làm chủ sáng kiến mới thật sự đem lại hiệu quả, hay nói cách khác, với niềm tin, trao quyền cho các cộng đồng tham gia và hành động (từ giai đoạn thiết kế, tự thực hiện và làm chủ sáng kiến) là con đường dẫn tới thành công. Do đó, thúc đẩy việc trao quyền cho cộng đồng thật sự đang là một trong những chìa khoá để gắn kết, hun đúc tinh thần trách nhiệm với xã hội, môi trường và với thế hệ mai sau. (2) Phát triển sinh kế không thể không gắn với quản trị tài nguyên, tăng cường tiếp cận văn hoá và tôn trọng tri thức bản địa: Cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng DTTS có cuộc sống gắn bó với rừng, sinh sống dựa vào rừng. Rừng là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho cuộc sống hằng ngày. Rừng cũng là không gian văn hóa tín ngưỡng. Cộng đồng các DTTS với bản sắc văn hóa độc đáo, có các luật tục, tri thức bản địa hết sức đa dạng trong sử dụng tài nguyên rừng. Sinh kế cũng gắn bó chặt chẽ với việc khai thác sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Ứng xử hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, quản lý nguồn nước. Gắn kết cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc bằng luật tục, luật tục góp phần giáo dục, răn đe, xử lý vi phạm để hướng quản trị tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng bền vững. (3) Phát huy tối đa nội lực cộng đồng thông qua du lịch và học tập phong phú và thiết thực: Du lịch nông thôn được xem là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn. Kết nối giảng đường và đồng ruộng, làm thế nào để đưa sinh viên về cùng học tập, làm thế nào để phát huy tối đa nội lực cộng đồng, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa và cải thiện sinh kế người dân, lại là bài toán không đơn giản. Du lịch học tập cùng cộng đồng được xem là một hướng đi rất phù hợp, hiệu quả và bền vững. (4) Xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội và phát huy sức mạnh cộng đồng: Các tổ chức xã hội có thế mạnh là có mạng lưới hoạt động, gắn bó chặt chẽ với cơ sở, sống trong cộng đồng và hỗ trợ cộng đồng hiệu quả. Rất cần khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội bằng việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội, qua đó nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho phát triển bền vững cộng đồng. Kinh nghiệm cho thấy, các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường ở mỗi địa phương sẽ được giải quyết tốt nhất, khi các giải pháp gắn với các lợi ích của cộng đồng và do chính cộng đồng thực hiện.
Trong chương trình thảo luận, chia sẻ của các địa phương về phát triển cộng đồng, đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã có những chia sẻ rằng: lắng nghe các bài tham luận, các mô hình và những cách làm hay về phát triển cộng đồng của các địa phương, tôi quan tâm tới vấn đề nhân rộng những mô hình này trên địa bàn tỉnh cần phải nhận diện quan tâm tới yếu tố con người, đó có thể là cá nhân, hoặc một nhóm người trong cộng đồng có nhu cầu. Họ cần có sự hợp tác, liên kết, dẫn dắt của cán bộ quản lý, cùng với đó là sự quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán để thay đổi cuộc sống, nếp nghĩ của người dân trên địa bàn. Để làm được điều này, công tác thông tin tuyên truyền phải được đẩy mạnh để khơi dậy tinh thần văn hóa, dân tộc Việt Nam, sự tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ cùng nhau phát triển. Để xây dựng được mô hình cộng đồng tốt không thể quên sự liên kết và giúp đỡ nhau về phát triển kinh tế, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đắk Lắk là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, định hướng xây dựng những vùng nguyên liệu lớn với các loại hàng hóa chủ lực do vậy cần có sự hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp giúp người dân có phương kế lâu dài và ổn định sản xuất, nhu cầu đảm bảo cuộc sống là rất cấp bách với đại bộ phận người dân. Bên cạnh những mô hình về văn hóa, du lịch thì phát triển cộng đồng là hết sức cần thiết, chú trọng quan tâm nhiều hơn việc phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua buổi Tọa đàm, PGS. TS Trịnh Văn Tùng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng chủ đề Tọa đàm này đi từ thực tiễn đến lý luận rất hay, qua các mô hình như Hội quán ở Đồng Tháp, Bản làng sinh thái Thái Hải tại Thái Nguyên và mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Bình Thuận đã thể hiện tính thực tiễn rất tuyệt vời. Ông đã chia sẻ về các giá trị thu được qua chương trình này như: giá trị chia sẻ vấn đề chung, giá trị chung để thực hiện mục tiêu chung; trao quyền cho người dân nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung để xây dựng kế hoạch sinh kế cộng đồng, trao quyền không đơn thuần là quản lý hành chính mà còn là để người dân bàn bạc, tự xây dựng về sinh kế; tôn trọng cộng đồng, tin tưởng cộng đồng; trách nhiệm chung đặc biệt là trách nhiệm cho thế hệ tương lai trong tổ chức phát triển cộng đồng. Trả lời cho câu hỏi “Chúng ta phải làm gì để hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình phát triển cộng đồng”, ông Tùng đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng để lại dấu ấn phát triển cho tương lai.
PGS. TS Trịnh Văn Tùng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn không chỉ dựa vào chính sách, kỹ thuật và biện pháp hành chính mà cần phải tổ chức và phát động quần chúng tham gia. Để phát triển cộng đồng một cách bền vững và lan tỏa hơn cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong chính quyền, trong các cộng động về mục tiêu muốn hướng đến; cần có sự quan tâm, lãnh đạo, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển; có định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng; cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện, những nhân tố này phải có tâm huyết và tốt nhất là đã được đào tạo, có kiến thức từ trong nước và quốc tế để làm việc hiệu quả hơn; phải có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình. Đó là lời chia sẻ sau khi nghe các ý kiến chuyên gia của ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI).
Ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ các yếu tố để phát triển cộng đồng.
Kết thúc buổi Tọa đàm, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khẳng định rằng “Tư duy nội lực từ dưới lên mới là tư duy bền vững” và cho biết các chương trình nâng cao năng lực cộng đồng được các tổ chức phi chính phủ tập trung triển khai tại Việt Nam (nâng cao năng lực cộng đồng trong tạo sinh kế cho người dân, nâng cao năng lực cộng đồng cho phụ nữ…). Lấy ví dụ về nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó bão lũ, mỗi năm mùa lũ đến đều có chỉ đạo từ Trung ương, huyện, xã xuống nông dân nhưng câu hỏi đặt ra là sao chúng ta chưa làm ngược lại, rằng vì sao chúng ta không để cho cộng đồng người dân tự lập kế hoạch phòng chống thiên tai, tập cho bà con lập kế hoạch? Khi cộng đồng người dân đã làm hết sức thì mới tính đến lập kế hoạch vận động sự tham gia của xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định Tư duy nội lực từ dưới lên mới là tư duy bền vững.
Các tiếp cận từ cộng đồng là một trong những hướng đi trong quá trình thay đổi tư duy, cách quản trị xã hội. Thay đổi tư duy để cộng đồng xã hội cân bằng hạn chế của Nhà nước và thị trường và là cốt lõi trong tam giác phát triển Nhà nước - thị trường - xã hội. Việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, làm tê liệt các ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. Cần có 1 thiết chế bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chỉ những người trong cộng đồng mới là người tạo ra lợi ích trực tiếp. Như vậy, cần kích hoạt tinh thần tham gia, tự chủ, tự lựcvà sự chia sẻ trong cộng đồng. Sự thay đổi tư duy quản lý nhà nước sang tư duy quản trị như: mã vùng trồng, quy trình canh tác… Sự thành lập của các hội quán đã chứng minh được thực tế rằng khi người nông dân thay đổi thì việc tạo ra một không gian cộng đồng để người dân có thể làm chủ, trực tiếp đóng góp ý kiến, biết cách lập kế hoạch, sau đó có thể lôi kéo được sự tham gia của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, trường đại học… Vì vậy, cần có thiết chế, thiết lập bài bản các chuyên đề, giáo trình cho người dân trong phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, những giáo trình này cũng cần dễ hiểu, dễ tiếp xúc đối với người dân để mô hình cộng đồng có thể được thẩm thấu và lan tỏa hiệu quả tại các địa phương. Từ đó, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, giúp giải bài toán thị trường./.
Cao Phúc