HUYỆN KRÔNG NĂNG: KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA CÂY VẢI CHÍN SỚM TRÊN ĐỊA BÀN THÔN GIANG ĐÔNG – XÃ EA ĐAH
Cập nhật lúc: 19/04/2022
Cập nhật lúc: 19/04/2022
Huyện Krông Năng có diện tích tự nhiên 614,79 km2, dân số trung bình trên 126.000 người, mật độ bình quân 201,78 người/km2, gồm 12 đơn vị hành chính (11 xã và 01 Thị trấn); có 23 dân tộc cùng sinh sống; trong đó Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 29,80%; Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 khoảng 5,49%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm xấp xỉ 1,44%.
Riêng địa bàn thôn Giang Đông cách trung tâm xã khoảng 10 km về phía Đông Nam; là thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn; Lượng mưa phân bổ hàng năm không đều, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng như: rau, đậu, ngô, mỳ… và một số cây khác có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng … Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa sản phẩm nông nghiệp chưa được đầu tư; tỷ lệ người đồng bào Mông chiếm trên 97,48 % dân số trong thôn; trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, ngại giao tiếp với cộng đồng bên ngoài, phương thức lao động cũ kỹ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm canh tác với cây ngắn ngày, lao động nhàn rỗi đa phần là đi rừng săn bắt, lấy gỗ và thu nhặt các sản phẩm từ rừng,… đời sống kinh tế rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở thôn cao gấp hơn 2 lần so với mức bình quân chung của toàn xã Ea Đah.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Uỷ ban nhân dân huyện đã quyết định phê duyệt chủ trương và bố trí nguồn kinh phí triển khai mô hình trồng, thâm canh cây vải chín sớm tại địa bàn thôn Giang đông xã Ea Đah, đồng thời chỉ đạo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng phối hợp với Trạm Khuyến nông; Uỷ ban nhân dân và các đoàn thể của xã Eadah triển khai thực hiện mô hình trồng và thâm canh cây vải U hồng với diện tích là 3ha, thực hiện là 4 năm (từ năm 2018 đến năm 2021).
Mô hình hỗ trợ 100% chi phí vật tư, phân bón và đào tạo, hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh trên cây vải chín sớm (Giống vải U hồng) xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình, để chính quyền địa phương định hướng kế hoạch phát triển cây vải chín sớm trên địa bàn xã nói chung, thôn Giang Đông nói riêng tạo điều kiện cho các hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát cảnh đói nghèo; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức canh tác, sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất và vùng lân cận, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Ảnh: Chủ hộ tham gia mô hình bên cây vải của gia đình
Sau 04 năm triển khai xây dựng mô hình cây vải chín sớm, với giống vải U Hồng là loại cây trồng dễ tính, thích nghi tốt với nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt cây sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện, khí hậu thời tiết tại thôn Giang Đông; Yêu cầu về kỹ thuật không cao, dễ trồng và chăm sóc, kết thúc năm 2021 cây vải trong giai đoạn kiến thiết cơ bản sinh trưởng ổn định, tán lá rộng, chiều cao cây trung bình đạt khoảng 2,0 m, phát triển cành dự trữ nhiều, để cho ra hoa, đậu trái bói cho năm đầu các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi, 03 ha trồng vải đã được phủ xanh và có thể thu bói, bước đầu mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Ảnh: Vườn vải U Hồng của các hộ tham gia mô hình
Qua đánh giá mô hình có thể khẳng định: cây vải chín sớm (Giống cây vải U hồng) thích nghi tốt, khả năng cho năng suất và sản lượng cao, để nhân rộng mô hình trên địa bàn thôn Giang Đông và các thôn khác trong vùng có cùng điều kiện khí hậu, thời tiết trên địa bàn xã theo kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của địa phương.
Phương Thủy – Trạm Khuyến nông Krông Năng