Chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, năm 2022
Cập nhật lúc: 17/04/2022
Cập nhật lúc: 17/04/2022
Ngày 14/4/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc họp trực tuyến để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, năm 2022. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận tại cuộc họp
Cuộc họp có sự tham dự của hơn 40 điểm cầu với đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh tham dự cuộc họp.
Điểm cầu trực tuyến tại Bộ Nông nghiệp và PTNT
Điểm cầu trực tuyến tại Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Đắk Lắk
Hội nghị dự kiến tổ chức vào ngày 29/4/2022 với mục đích cụ thể hoá các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp của tỉnh, khẳng định cam kết của tỉnh trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh Đắk Lắk. Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Từng bước chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hệ số sử dụng đất, phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị nông sản, chuyển đổi hình thức sản xuất quy mô nhỏ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, tạo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có giá trị, thương hiệu. Đây cũng là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, danh mục dự án tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh...
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương đã xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư. Đồng thời khẳng định, thành công của nhà đầu tư chính là thành công của Đắk Lắk. Địa phương đã nêu ra nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước...
Để chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp của các cục, vụ, tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk và ý kiến của các doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư tại địa phương. Các ý kiến đóng góp đều tập trung vào các vấn đề như: địa phương cần rà soát quy hoạch đất, quy hoạch không gian phát triển để doanh nghiệp không gặp khó khăn khi quyết định đầu tư tại địa phương; thẩm định năng lực của doanh nghiệp; đề xuất các danh mục đầu tư, doanh nghiệp tham gia thuộc cả 3 lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Ngoài ra, hội nghị cần có sự tham dự của các tổ chức quốc tế, các viện, trường, các công ty cung cấp chứng chỉ, chứng nhận trong sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các hợp tác xã.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào địa phương. Các doanh nghiệp như Tập đoàn Thạch Thành Công, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Dao đều mong muốn đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk với các vùng nguyên liệu trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, xoài, chanh leo, mít. Công ty Chánh Thu còn mong muốn địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm quỹ đất xây dựng nhà máy chế biến. Công ty muốn tận dụng vỏ sầu riêng, chanh leo để làm phân bón, xây dựng chuỗi liên kết để mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Muốn xây dựng mô hình hữu cơ cho cây sầu riêng, hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia cho quả sầu riêng Việt Nam.
Liên hiệp Hợp tác tác xã hữu cơ Việt Nam là đơn vị đang triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng. Đơn vị cho rằng Việt Nam đang nhập khẩu dược liệu chủ yếu từ Trung Quốc, đề xuất Bộ Nông nghiệp và tỉnh tạo điều kiện cho đơn vị tham gia triển khai mô hình này. Công ty TNHH Hào Hưng mong muốn triển khai dự án trồng rừng và chế biến gỗ tại Đắk Lắk. Còn Tập đoàn De Hues cho biết, hàng năm đều phải nhập khẩu 1,2 - 1,3 triệu tấn ngô. Vì vậy, tập đoàn mong muốn triển khai vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại tỉnh và phối hợp với các hợp tác xã thu mua ngô, sắn từ bà con nông dân địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh có khoảng 620.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 210.000 ha cà phê (với nhiều diện tích cà phê hữu cơ có chứng nhận, nhiều vùng nguyên liệu cà phê đặc sản), 20.000 ha cây ăn quả, 30.000 ha cao su. Tỉnh có điều kiện thuận lợi về nguồn lực đất đai và nhân lực. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 200.000 ha diện tích không còn rừng và 100.000 ha diện tích rừng nghèo kiệt, vì vậy mong các doanh nghiệp chung tay với tỉnh thực hiện các dự án nông, lâm kết hợp; thực hiện bảo vệ rừng, giúp nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế về lao động, đất đai, vị trí địa lý và cơ chế. Ông lưu ý các đơn vị chú ý tới các vấn đề còn tồn tại của công tác tổ chức, cần triển khai kịp thời các hoạt động truyền thông cho hội nghị để thúc đẩy đầu tư nông nghiệp vào tỉnh Đắk Lắk, qua đó có thể đánh thức vùng đất có nhiều lợi thế của Tây Nguyên.
Nguồn: Việt Oanh
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia