• Tìm chúng tôi trên

Phát triển nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo lứt đen hướng hữu cơ tại Buôn Ma Thuột, tại sao không?

13/10/2020 16:11:16 GMT+7

Vụ hè thu 2020, trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục liên kết với Công ty TNHH TMDV thực phẩm sạch BMT cùng nông dân, tổ chức hỗ trợ, đầu tư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm lúa cho 4 hộ mô hình sản xuất giống lúa gạo lứt đen với diện tích 0,8 ha theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Xuân và Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, với năng suất đạt bình quân đạt 6,5 tấn/ha, ước tính thu nhập tăng so với sản xuất lúa từ 15 – 20 triệu/ha. Đây là mô hình sản xuất giống lúa gạo lứt đen Phúc Thọ được nhân rộng sau khi sản xuất thí điểm thành công giống lúa gạo lứt đen tại Buôn Ma Thuột vụ đông xuân 2019-2020.

Theo anh Dương A Sáng, chủ mô hình sản xuất lúa gạo lứt đen tại thôn 1, xã Hòa Xuân cho biết, với diện tích gần 0,18 ha lúa giống gạo lứt đen Phúc Thọ, vụ hè thu 2020 anh thu được bình quân 6,5 tạ/sào, với giá bán lúa như đã cam kết với công ty lúc đầu, anh thu nhập gia tăng so với các giống lúa khác trên cùng diện tích trước đây là 1.500.000đ/sào. Vấn đề anh thấy được trong vụ hè thu này là hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trên ruộng nên bảo vệ sức khỏe gia đình và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Anh cho biết thêm, là mô hình sản xuất lần đầu theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh hóa học, lúc đầu anh lo lắng về hiệu quả, nhưng qua sự đồng hành cùng trạm khuyến nông trong suốt thời gian sản xuất, từ khi làm đất đến khi thu hoạch, (có triệu chứng sâu bệnh trên ruộng, cán bộ trạm khuyến nông đã phân tích, hướng dẫn cụ thể các biện pháp tác động) nên năng suất vụ hè thu vẫn đạt bằng năng suất các giống lúa thuần khác cùng thời vụ.

Trước mắt, đây là mô hình liên kết tạo đầu ra cho nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, nhằm thăm dò khả năng thích ứng của giống lúa giá trị được sản xuất theo hướng hữu cơ, theo đó, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm cho định hướng phát triển lúa hữu cơ tại địa phương trong tương lai. Tuy nhiên với kết quả thực tế đạt được cho thấy, việc phát triển sản xuất lúa hữu cơ không phải không làm được.

Những thuận lợi đối với việc sản xuất lúa hữu cơ tại địa phương

Phải nói rằng sản xuất lúa hữu cơ hiện nay đã có nhiều thuận lợi. Bỡi lẽ, thời gian qua nông dân sản xuất lúa đã vận dụng kinh nghiệm các biện pháp hữu hiệu từ Chương trình IPM (của FAO - tổ chức lương thực thế giới) được triển khai từ năm 1995 đến nay. Theo đó, người sản xuất lúa ở Buôn Ma Thuột đã dần vận dụng các yếu tố liên quan trong hệ sinh thái (cây lúa  - dinh dưỡng – sâu bệnh hại – thiên địch…)  để điều khiển, quản lý dịch hại trên cở sở sử dụng tất cả những kỹ thuật tác động thích hợp, vừa giữ cân bằng sinh thái, vừa quản lý sâu bệnh dưới ngưỡng phòng trừ, để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học trên ruộng lúa, nhưng vẫn đảm bảo năng suất.

Mặt khác, Công nghệ sinh học đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Hiện nay việc sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật đối với cây lúa. Bên cạnh đó, theo nguyên tắc sản xuất lúa hữu cơ, vừa sử dụng những kinh nghiệm đã tích lũy trong canh tác lúa truyền thống trước đây cùng với sáng tạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học, nhiều nông dân đã làm được. Đặc biệt, nhận thức của người tiêu dùng hiện nay về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao. Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện cho hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Chính phủ cũng đã có chủ trương và chính sách hỗ trợ bước đầu các chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, tháng 10/2018, Sở NN & PTNT Đăk Lăk đã ban hành Công văn số 2655/SNN-QLCL, về việc triển khai Nghị định số 109/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí, xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ thông qua việc điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí và  hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại). Ngoài ra còn hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông. Để có cơ sở cho định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây nguyên, vào tháng 10/2019, Bộ NN & PTNT đã tổ chức Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên. Tại Hội nghị các ngành chức năng, các nhà khoa học, các doanh nghiệp…. đã nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các giải pháp trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên.

Những khó khăn bước đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong đó có sản xuất lúa hữu cơ tại địa phương 

Tuy nhiên để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kể cả lúa bước đầu không thể không gặp những khó khăn. Quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, vật tư đầu vào cho sản xuất hữu cơ chưa đầy đủ, nhất là các sản phẩm sinh học về dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh hại, năng suất cây trồng thường thấp. Điều lo ngại nhất là thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ chưa ổn định, do vậy nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ chưa cao. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng cụ thể của từng địa phương. Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển trong khi thị trường  xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hầu như không có sẵn. Một khó khăn nữa là đặc thù sản xuất nông nghiệp trong đó có lúa hầu hết có quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để áp dụng cơ giới hóa và công nghệ sinh học (lợi dụng vi sinh vật có lợi để khống chế sinh vật gây hại) nên hạn chế trong kiểm soát sâu bệnh đối với sản xuất hữu cơ tại địa phương. Trong khi đó, điều kiện khí hậu nóng ẩm của địa phương, nhất là vụ hè thu, rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại, theo đó bảo vệ thực vật cho cây trồng, đặc biệt là lúa. Đây là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn bước đầu còn chưa hợp lý trong thực tế; cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ bước đầu chưa đầy đủ; hệ thống tổ chức chứng nhận hữu cơ tại địa phương cũng chưa mạnh.

Những chú trọng cần quan tâm trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong đó có cây lúa.

Đối với lĩnh vực trồng trọt có những điểm chung trong phát triển sản xuất hướng hữu cơ, theo đó từ kinh nghiệm từ thực tế sản xuất lúa hữu cơ tại Buôn Ma Thuột hai vụ vừa qua ( đông xuân và hè thu 2020), có thể nói để phát triển sản xuất lúa hữu cơ cần những giải pháp hữu hiệu. Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tăng cường hỗ trợ các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ địa phương để đẩy mạnh liên kết với nông dân trong sản xuất các sản phẩm hữu cơ nói chung và sản xuất lúa hữu cơ nói riêng. Tăng cường tuyên truyền phổ biến về tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lựa chọn những sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu  thụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương để áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phân chuồng, phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa đủ về lượng và cân đối về tỉ lệ. Đối với cây lúa, trước mắt nên lựa chọn những giống lúa gạo thích nghi với điều kiện canh tác của địa phương, dễ sản xuất theo qui trình hữu cơ, nhưng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng…

Chú trọng trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kiến thức sâu về nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu phát triển hữu cơ theo mục tiêu đã đề ra, trong đó có cây lúa tại địa phương. Lựa chọn, áp dụng một số biện pháp trong quản lý dịch hại tổng hợp IPM của FAO phục vụ cho sản xuất lúa hữu cơ. Đặc biệt quan tâm bảo vệ, cải thiện độ phì đất đai, cải tạo nguồn nước sử dụng cho sản xuất lúa hữu cơ theo hướng hàng hóa. Tăng cường giám sát và tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương để khai thác tối đa tiềm năng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

                                                                                                                  Cẩm Lai - Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột

Một số hình ảnh về mô hình sản xuất giống lúa gạo lứt đen Phúc Thọ vụ hè thu 2020 tại Buôn Ma Thuột.

 

TIN NỔI BẬT