• Tìm chúng tôi trên

Khuyến nông Đắk Lắk đánh giá Nghị quyết về việc xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở sau bốn năm thực hiện

19/01/2016 09:18:10 GMT+7

Nghị quyết 41/2011/NQ-HĐND (Nghị quyết 41), ngày 22/12/2011của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở tỉnh Đắk Lắk ra đời nhằm xây dựng và đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông viên cấp xã và cộng tác viên khuyến nông, thôn, buôn trong toàn tỉnh với mực đích sử dụng có hiệu quả lâu dài nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân tiếp cận và nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Qua 4 năm triển khai Nghị quyết tính đến nay đã tuyển dụng được 210 Khuyến nông viên cấp xã, 2.010 cộng tác viên khuyến nông thôn/buôn. Công tác tuyển dụng được Trạm Khuyến nông cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp chặt chẽ và hằng năm mạng lưới khuyến nông viên cơ sở được đào tạo và huấn luyện theo các nội dung như kỹ năng, nghiệp vụ khuyến nông, kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thông tin thị trường, quản lý kinh tế hộ, trang trại…Sau 4 năm thực hiện, hệ thống khuyến nông viên cơ sở đã phát huy có hiệu quả vai trò đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất  làm tăng năng suốt cây trồng, vật nuôi, tăng sản lượng lương thực hàng năm, tăng thu nhập cho người dân, từ đó giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương. Đa số Khuyến nông viên xã đã nắm bắt tốt về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mình quản lý để hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, trực tiếp nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu cho UBND xã, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng kế hoạch khuyến nông trên địa bàn huyện sát với tình hình thực tế của địa phương.

Đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho cộng tác viên khuyến nông huyện Ea Hleo - Đắk Lắk

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở tỉnh Đắk Lắk còn bộc lộ một số tồn tại. Nguồn kinh phí phân bổ hàng năm không đủ để triển khai thực hiện các nội dung theo đúng tiến độ tại Kế hoạch 2063/KH-UBND của UBND tỉnh: Kinh phí giao cho Trung tâm Khuyến nông đào tạo Khuyến nông viên cấp xã không được bố trí, kinh phí đào tạo bổ sung hàng năm không được ngân sách huyện cấp, không thể đào tạo hết số lượng Cộng tác viên khuyến nông thôn/buôn hiện có. Bên cạnh đó kinh phí sự nghiệp cho hoạt động khuyến nông những năm qua rất hạn chế nên đội ngũ khuyến nông viên không phát huy hết vai trò và trách nhiệm; Một số địa phương triển khai chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn của huyện (phòng Nội vụ, phòng Tài chính và Trạm Khuyến nông) nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Ngoài ra chất lượng đội ngũ khuyến nông viên cơ sở chưa đảm bảo, trình độ chuyên môn, năng lực không đồng đều, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên khuyến nông thôn buôn chủ yếu là đồng bào được tuyển dụng không có bằng cấp chuyên môn; Khuyến nông viên cơ sở tuy đã được đào tạo và tuyển chọn đủ về số lượng nhưng thay đổi nhiều do chuyển công tác, xin thôi việc nên gặp nhiều khó khăn trong tuyển chọn, đào tạo người thay thế; Một số địa phương khuyến nông cấp xã hoạt động không đồng đều, chưa có sự thống nhất giữa khuyến nông viên xã với cộng tác viên thôn, buôn trong khâu tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Hoạt động của khuyến nông viên cơ sở chủ yếu là phối hợp, chưa tự mình tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động hàng năm

Trong công tác tổ chức, quản lý điều hành khuyến nông viên còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý chưa hợp lý, chưa có sự thống nhất chung giữa các địa phương, có một số địa phương Trạm khuyến nông ký hợp đồng sử dụng nhưng phụ cấp giao cho UBND xã chi trả.

Khuyến nông viên cơ sở tham quan khu Huấn luyện Chăn nuôi - Trung tâm Khuyến nông tỉnh 

Sau bốn năm triển khai thực hiện, để thuận lợi trong việc chỉ đạo chuyên môn của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và để trạm khuyến nông dễ triển khai nhiệm vụ chuyên môn cũng như nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp tại cơ sở; đồng thời hạn chế thay đổi, xáo trộn Khuyến nông viên trong hệ thống (khi đào tạo xong chính quyền địa phương bố trí, sắp xếp làm công việc khác) và giảm chi phí đào tạo, khuyến nông Đắk Lắk đề nghị cần có sự thống nhất chung trong quản lý, sử dụng hệ thống này đó là giao Trạm Khuyến nông cấp huyện quản lý, sử dụng và chi trả phụ cấp cho đội ngũ Khuyến nông viên cơ sở. Bên cạnh đó để để tăng trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc, mức phụ cấp cho Khuyến nông viên xã cần được chi trả lương theo bằng cấp, theo ngạch bậc (biên chế) thay cho chi trả phụ cấp theo hệ số 1 mức lương tối thiểu như hiện nay. Ngoài ra để tận dụng nguồn nhân lực là khuyến nông viên cơ sở hiện nay, để khuyến nông viên cơ sở phát huy được vai trò Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các hoạt động khuyến nông, nhất là việc đầu tư cho các thôn, buôn vùng đặc biệt khó khăn

Kết quả thực hiện Nghị quyết 41, giai đoạn 2011-2015 cho thấy, lực lượng khuyến nông cơ sở đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.. Lực lượng khuyến nông cơ sở là là cầu nối giữa cơ quan nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân. Họ đã góp phần quan trọng trong việc triển khai công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn cho nông dân tham quan học tập, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương.

Có thể nói, việc xây dựng mạng lưới khuyến nông viên cơ sở đã góp phần mang lại thành công trong quá trình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào cải tiến môi trường sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà. Phát huy kết quả đó, trong thời gian tới, ngành Khuyến nông tỉnh sẽ phấn đấu bồi dưỡng, đào tạo để mỗi khuyến nông viên ở cơ sở thực sự là một địa chỉ đồng hành của nhà nông trong việc tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, xứng đáng là người bạn tin cậy của bà con nông dân

Hoàng Liên

TIN NỔI BẬT