• Tìm chúng tôi trên

Tổng kết Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ

10/04/2014 11:00:08 GMT+7

Sau hơn 7 năm hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk, Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ đã kết thúc. Ngày 07 tháng 04 năm 2014, Dự án đã tổ chức hội nghị tổng kết để báo cáo và đánh giá lại toàn bộ chặng đường đã đi qua (từ năm 2007 - 2014)

Sau hơn 7 năm hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk, Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ đã kết thúc. Ngày 07 tháng 04 năm 2014, Dự án đã tổ chức hội nghị tổng kết để báo cáo và đánh giá lại toàn bộ chặng đường đã đi qua (từ năm 2007 - 2014)

Đến tham dự Hội nghị tổng kết có Sở NN & PTNT Đắk Lắk, các Sở ngành liên quan, Ban điều hành dự án cấp huyện, chủ nhiệm các Câu lạc bộ ca cao và nông dân trồng ca cao trong vùng dự án tại các huyện: Ea kar; Lắk; Ea hleo; Buôn Đôn cùng các công ty thu mua và chế biến ca cao như Cargill; Mars.

Với mục tiêu nâng cao đời sống cho các nông hộ trồng ca cao thông qua sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ca cao bền vững về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và xây dựng thành công ngành công nghiệp sản xuất ca cao tại Đắk Lắk, trong 7 năm qua, dự án Phát triền sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Dự án đã tổ chức tuyên truyền và vận động nông dân ở 21 xã tham gia và tuyển chọn được 119 nông dân nòng cốt và cộng tác viên khuyến nông để đào tạo thành tập huấn viên, ngoài ra đã thành lập được 99 câu lạc bộ  nông dân trồng ca cao tại 04 huyện vùng dự án và đến nay còn 67/99 câu lạc bộ.

Hoạt động nổi bật phải nói đến mà dự án đã làm được đó là hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông viên cơ sở từ tỉnh đến huyện và mạng lưới nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế lên men ca cao. Cho đến nay đã xây dựng được một nguồn lực tương đối mạnh mẽ những người kỹ thuật viên trồng ca cao chuyên nghiệp, tạo tiền đề cho việc triển khai thành công “Đề án phát triển ca cao” của tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.

Cùng với hoạt động đào tạo, Dự án đã xây dựng được những vườn mẫu, vườn trình diễn để nông dân và các chuyên gia đến tham quan và học tập. Ngoài ra công tác thị trường đã được Dự án thực hiện rất tốt thông qua việc xây dựng  các điểm thu mua ca cao tại các vùng dự án.

Những hoạt động thiết thực trên  đã góp phần đưa cây ca cao trở thành cây công nghiệp hàng hóa tại tỉnh Đắk Lắk và đặc biệt có ý nghĩa đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã chưa xác định được cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế trong cơ cấu cây trồng (xã Yang tao, Bông Krang Đăk Nuê  - huyện Lắk). Cây ca cao đã được người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chấp nhận và áp dụng thành công.

Dự án Phát triền sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ đã kết thúc chương trình hoạt động tại Đắk Lắk, thế nhưng chương trình phát triển cây cao của tỉnh Đắk Lắk chưa dừng lại ở đây, để cây ca cao được phát triển bền vững trên đất Đắk Lắk, có những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, cần có các chính sách hỗ trợ từ phía ngành nông nghiệp, các cơ quan chức năng, các tổ chức, các doanh nghiệp mặn mà với cây ca cao để giúp cho người nông dân có thêm nguồn lực tham gia vào viêc  sản xuất ca cao, chính thức xây dựng được vùng nguyên liệu ca cao tại Đắk Lắk./.

Hoàng Liên

TIN NỔI BẬT