Thủ tướng ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp
Cập nhật lúc: 04/01/2024
Cập nhật lúc: 04/01/2024
'Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng...', Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính - trụ sở Bộ NN-PTNT tại Hà Nội - đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đại diện Bộ NN-PTNT tặng Thủ tướng Phạm Minh Chính bình gốm với thông điệp "Chạm để kết nối".
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu xem phim tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Năm 2023, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như: Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây , đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan các gian trưng bày tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ tín dụng cho ngành nông nghiệp
Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sản xuất lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI.
Các kết quả góp phần khắc phục giải quyết, đạt mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Bên cạnh khái quát một số kết quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số điểm quan trọng khác.
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và xây dựng thể chế, Bộ NN-PTNT đã cùng các Bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, tập trung xây dựng, trình nhiều chương trình, đề án như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp… Tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, Festival tôm, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo. Cùng các Bộ, ngành xây dựng một số luật được thông qua như Luật Bất động sản, Luật Nhà ở và tích cực hàon thiện luật liên quan đến nông nghiệp như Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng.
Bộ NN-PTNT cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.
Thứ hai, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tuởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.
Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng GDP 3,83%, cao nhất trong thời gian vừa qua. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ.
Thứ ba là mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, các địa phương triển khai thương mại điện tử tốt.
Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; Xây dựng đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU; Bên cạnh đó, thích ứng linh hoạt, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản; Làm việc với doanh nghiệp, thị trường bên ngoài để đa đạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để tiếp cận thị trường tốt hơn.
Thủ tướng ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
“Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế: “Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường”.
“Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống”, Thủ tướng bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.
Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.
Đề nghị thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, địa phương có hai mặt hàng nông nghiệp thế mạnh là cà phê (lớn thứ nhì) và sầu riêng (lớn nhất) cả nước.
Trong những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo 3 trụ cột, là: phát triển bảo tồn, sản xuất bền vững và đảm bảo mục tiêu an sinh. Trong số này, để sản xuất bền vững, Đắk Lắk tập trung 4 tăng: tăng kiểm soát hóa chất, giảm phân bón vô cơ, thuốc BVTV; tăng cây trồng xen, độ phủ thảm thực vật; tăng hiệu quả tưới tiết kiệm; tăng chuỗi liên kết nông dân – doanh nghiệp.
Với mục tiêu an sinh, tỉnh chủ trương tăng thu nhập từ cây trồng xen, đồng thời tăng số lượng HTX. Theo thống kê, hằng năm tỉnh thành lập mới khoảng 60-70 HTX, trong đó 90% là nông nghiệp. Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng từ 15-20%/năm.
Để tiếp tục duy trì đà gia tăng (tăng trưởng năm 2023 là 10% so với 2022), Đắk Lắk đề ra 4 giải pháp: Nâng cao tư duy, nhận thức cho người dân; Có giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; Áp dụng, triển khai sâu rộng công nghệ mới; Tổ chức lại chuỗi sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.
Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp 2023, Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên đặt tại tỉnh. Nguyên do, được ông Văn nêu, là Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực, có sân bay và hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên nguồn lực, xây dựng trung tâm thông tin khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động của Đắk Lắk về phát triển nông nghiệp, trong đó có sầu riêng. Ông cho rằng kinh nghiệm từ chuyến công tác Thái Lan vừa qua của hiệp hội sầu riêng tỉnh sẽ là cơ sở để người dân chuẩn hóa quy trình, từ sản xuất, sơ chế đến bảo quản, đóng gói.
Nhóm PV thời sự
Nguồn: nongnghiep.vn