Tham vấn chuyên gia dự thảo Chiến lược phát triển Khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050
Cập nhật lúc: 27/11/2023
Cập nhật lúc: 27/11/2023
Nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược khuyến nông trình Chính phủ phê duyệt, ngày 21/11/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo “Tham vấn chuyên gia về dự thảo Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Đây là hội thảo lần thứ 4 xin ý kiến tham vấn chuyên gia sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước, quốc tế trong xây dựng dự thảo Chiến lược khuyến nông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao hoạt động khuyến nông Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong suốt 30 năm qua, đã cùng ngành nông nghiệp giúp nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Sức mạnh xuyên suốt của khuyến nông Việt Nam chính là hệ thống, vì vậy chiến lược khuyến nông phải thể hiện nội dung để duy trì sức mạnh hệ thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Cơ chế, chính sách hoạt động chưa đồng bộ, có đổi mới nhưng còn chậm; hệ thống tổ chức thiếu đồng bộ, còn xáo trộn từ trung ương tới địa phương; chưa có sự thống nhất vai trò, vị trí định hướng hoạt động từ trung ương đến địa phương, hoạt động nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống khu vực nông thôn, nâng cao năng lực nông dân. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của công tác khuyến nông. Năng lực cán bộ khuyến nông còn hạn chế, thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, chuyển đổi số… Công tác khuyến nông cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, làm suy yếu tính liên kết bền vững của hệ thống.
Do vậy, việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.
Dự thảo Chiến lược đặt ra mục tiêu chung là xây dựng hệ thống khuyến nông xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, hướng đến nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. Đa dạng hóa nội dung và phương thức hoạt động theo hướng xã hội hóa, phát triển khuyến nông điện tử. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần tạo động lực chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng hệ thống khuyến nông nhà nước đảm bảo các địa bàn trên cả nước đều có tổ chức và cán bộ khuyến nông phụ trách. Phát triển khuyến nông cộng đồng đảm bảo 100% xã nông thôn mới có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển lực lượng khuyến nông ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Phát triển khuyến nông điện tử, đến năm 2030: 100% tài liệu khuyến nông được số hóa và phổ biến rộng rãi đến người nông dân. Chuẩn hóa năng lực cán bộ khuyến nông các cấp, đến năm 2030: 100% đội ngũ cán bộ khuyến nông được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông. Nâng cao hiệu quả chuyển giao kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình khuyến nông kiểu mẫu gắn với các sản phẩm chủ lực và liên kết theo chuỗi giá trị.
Dự thảo Chiến lược cũng xác định 8 định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Khuyến nông đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo chiến lược phát triển của ngành; Xây dựng, phát triển hệ thống khuyến nông; Hình thành, phát triển khuyến nông số; Phát triển khuyến nông vùng đặc thù và đối tượng đặc thù; Phát triển khuyến nông đô thị; Đẩy mạnh phân cấp trong hoạt động khuyến nông; Phối hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, khuyến nông và đào tạo; Hoàn thiện thể chế, chính sách về khuyến nông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự thảo Chiến lược. Trong đó nhấn mạnh, trách nhiệm của khuyến nông rất lớn lao giúp nhiều thế hệ nông dân ấm no, đóng góp to lớn để ngành nông nghiệp phát triển khởi sắc như ngày nay. PGS.TS Bế Trung Anh – Uỷ viên thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: Phải xác định khuyến nông là ngôi trường lớn và đặc biệt, là kho tri thức, là trung tâm học liệu của ngành nông nghiệp để định hướng cho nông dân sinh kế và làm giàu. Khuyến nông phải đi trước sự thay đổi và dẫn dắt nông dân.
Ông Bạch Thanh Tuấn – Giám đốc Trung tâm phát triển cộng đồng (CDC) đặt ra mục tiêu: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải là trung tâm dịch vụ nông nghiệp chất lượng nhất, trở thành hệ sinh thái nông nghiệp thị trường, theo đó cần xây dựng quy chế ứng xử cho hệ sinh thái mới trong tương lai.
Nội dung của chiến lược cũng cần nhấn mạnh những bất cập, hạn chế mà hoạt động khuyến nông đang phải đối diện. TS. Phan Huy Thông – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị: Hoạt động khuyến nông lấy nông dân làm chủ thể, phối hợp đa dạng lực lượng, khuyến nông nhà nước đóng vai trò nòng cốt để huy động tổng hợp sức mạnh của khuyến nông cộng đồng, khuyến nông tự nguyện, khuyến nông an sinh cho người nghèo, khuyến nông cho người khá, giàu. Xây dựng lực lượng khuyến nông tinh gọn, hiệu quả, có năng lực trình độ, liên kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật với công tác khuyến nông.
TS. Phạm Quốc Doanh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị cần đa dạng hoá hình thức, đối tượng, nội dung phương thức hoạt động, huy động tối đa nguồn lực khuyến nông. Tập trung các chương trình dự án lớn và quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, đủ điều kiện xuất khẩu. Đồng thời thực hiện chương trình khuyến nông đặc thù, khuyến nông điện tử nhằm tạo thuận lợi cho mọi đối tượng được tiếp cận, tiếp nhận nội dung khuyến nông. Đối tượng khuyến nông đa dạng gồm: nhóm hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, các trang trại quy mô nhỏ, quy mô vừa và lớn, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế.
Ông Trịnh Bá Ninh - Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Cần phải thực hiện các chương trình, dự án liên ngành (chứ không đơn thuần chỉ là ngành nông nghiệp), ví dụ như liên ngành du lịch, môi trường, … để đạt hiệu quả cao nhất.
Về địa bàn khuyến nông, nên thiết kế hệ thống khuyến nông đặc thù phù hợp cho các vùng khác nhau như đô thị, đồng bằng, miền núi, biên giới - hải đảo bao gồm cả bộ máy, chính sách, thể chế, nội dung và phương pháp khuyến nông. Cần xây dựng và đánh giá các mức độ cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng ở các địa bàn khác nhau, đặc biệt quan tâm đến người dân tộc thiểu số, vấn đề giới trong hoạt động khuyến nông. Tương ứng với các đối tượng có thể hình thành các nhóm khuyến nông chuyên sâu, chuyên ngành như khuyến nông phi nông nghiệp (liên quan đến các lĩnh vực sức khoẻ, y tế, giáo dục,…).
Khoa học kỹ thuật, công nghệ và khuyến nông là động để tập hợp nông dân, đoàn kết nông dân, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 phù hợp với kết cấu của một Chiến lược phát triển lâu dài của ngành, cấp độ quốc gia.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Toàn cảnh hội thảo
Giám đốc TKNQG Lê Quốc Thanh khai mạc hội thảo
PGS.TS Bế Trung Anh – Uỷ viên thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu
TS. Phan Huy Thông – Nguyên Giám đốc TTKNQG góp ý xây dựng Chiến lược khuyến nông
TS. Phạm Quốc Doanh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ đề xuất một số nội dung cho Chiến lược
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát biểu
Giám đốc TKNQG Lê Quốc Thanh tiếp thu và kết luận hội thảo
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia