Hội thảo khởi động dự án: “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”
Cập nhật lúc: 09/06/2022
Cập nhật lúc: 09/06/2022
Ngày 6/6/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc".
Các đại biểu tham dự hội thảo
Dự án: “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ đã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết biên bản thảo luận với Bộ Nông nghiệp và PTNT và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án. Ngày 28/4/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra Quyết định số 1561/QĐ-BNN-HTQT phê duyệt văn kiện dự án, giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị chủ trì thực hiện.
Dựa trên kết quả từ dự án điểm của Bộ Nông nghiệp và PTNT về xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn tại Sơn La, cũng như dự án thí điểm khuyến nông cộng đồng hỗ trợ Hợp tác xã và phát triển vùng nguyên liệu tại Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và JICA sẽ triển khai dự án này trên địa bàn 7 tỉnh gồm Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định và Sơn La. Kinh phí thực hiện dự án là 3 triệu USD, được triển khai trong vòng 4 năm, từ 2022 đến 2026.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập thế giới, năng lực cạnh tranh của sản phẩm là một trong các yếu tố để tồn tại và mở rộng thị trường. Việc nâng cao chất lượng rau, quả, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP là vấn đề sống còn của nông sản Việt Nam. Những loại rau, quả của Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu như rau, quả có chất lượng ngon và bảo đảm an toàn vệ sinh toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh, hệ thống khuyến nông, với vai trò cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học và hộ nông dân và thị trường đã đề xuất một số hoạt động triển khai dự án. Cụ thể: Xây dựng tiêu chí và lựa chọn các hợp tác xã địa phương, tập huấn cho giảng viên (ToT); xây dựng kế hoạch thúc đẩy việc mở rộng cây trồng an toàn, tập huấn về khảo sát thị trường cho các hợp tác xã; chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về chuỗi giá trị....
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo
Ông Murooka Naomichi - Phó trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho biết, mỗi hợp tác xã tham gia dự án phải có ít nhất 20 thành viên, thuộc 7 tỉnh trong vùng dự án và có tối thiểu 1 ha đất canh tác. Trong thời gian tới, dự án sẽ có những khóa tập huấn tại Nhật Bản dành cho cán bộ khuyến nông các cấp. Mục đích là để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước chuyển dần sang hướng phát triển kinh tế, tích hợp đa giá trị.
Ông Murooka Naomichi - Phó trưởng Đại diện JICA Việt Nam tại hội thảo
Dự án sẽ tập trung nâng cao năng lực nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực, mở rộng cây trồng an toàn; sản xuất và quản lý của các hợp tác xã với mục tiêu sản xuất cây trồng an toàn; thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị và nâng cao năng lực thực thi đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt hướng tới thúc đẩy sản xuất bền vững cây trồng an toàn tại các vùng dự án phục vụ mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, đề án khuyến nông cộng đồng và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nanakubo Mitsuru - Trưởng nhóm tư vấn dự án giới thiệu về dự án tại hội thảo
BBT