Liên kết phát triển cây Nha đam - Một mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp
Cập nhật lúc: 07/04/2022
Cập nhật lúc: 07/04/2022
Nhìn cánh đồng Nha đam rộng lớn hơn 5 ha thuộc HTX nông nghiệp Thuận Thiên (HTXNNTT) tại thôn 4, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, đang giai đoạn cho thu hoạch rải rác, ai cũng phải trầm trồ tán thưởng bởi sự nhạy bén của những người trẻ tuổi, mạnh dạn sáng kiến đưa mô hình mới trong phát triển nông nghiệp hiện nay. Được biết Giám đốc HTXNNTT - Bà Cao Thị Thanh Tâm, người đã đi đầu trong liên kết cây Nha đam vào chuỗi giá trị tại “xứ sở cà phê” Buôn Ma Thuột, với mục tiêu góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương để phát triển bền vững. Hiện tại, HTXNNTT có 9 thành viên, với vùng nguyên liệu liên kết được 15 ha trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận như Krông Pắk, Cư Kuin của Đăk Lăk, hiện tại cánh đồng Nha đam của HTX đã hơn 9 tháng tuổi.
Ảnh: Vườn Nha đam sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm
Theo bà Thanh Tâm, cơ duyên gắn với cây Nha đam là một sự tình cờ. Nhân một lần đi làm việc ở Ninh Thuận, bà nhìn thấy vùng nguyên liệu Nha đam rộng lớn, đã gây sự tò mò về loại cây có đặc tính chịu hạn, dễ trồng, dễ chăm sóc, liên tưởng đến vùng đất Bazan của Đăk Lăk đầy nắng gió cũng có thể phát triển cây Nha đam. Cộng với thời kỳ dịch covid-19 đang phức tạp, khó khăn cho công việc hiện tại của gia đình, càng thôi thúc bà tìm hiểu về lĩnh vực phát triển sản xuất loại cây này. Qua một thời gian tìm hiểu về tác dụng của cây Nha đam đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ làm đẹp, chữa bệnh, cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho người sử dụng. Mặt khác, cây Nha đam không những được các công ty sữa, nước giải khát trong nước thu mua chế biến, mà đã được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan….thông qua một số công ty uy tín tại Việt Nam. Bà Thanh Tâm đã không ngại xuống tận Ninh Thuận học hỏi về phương thức sản xuất, về liên kết chuỗi giá trị từ đầu vào, đầu ra, để rồi bà bắt tay thành lập HTX và xây dựng vùng nguyên liệu vào giữa năm 2021. Để chủ động tạo vùng nguyên liệu ổn định, làm mô hình mở rộng liên kết với nông dân, bà Tâm đã không ngần ngại đầu tư và đặt niềm tin vào cánh đồng 05 ha Nha đam của gia đình trước. Bà Thanh Tâm cho biết thêm, nếu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đầy đủ, khai thác được tiềm năng về năng suất cây Nha đam, thì trên mỗi ha sau khi trồng từ 10 - 12 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi tháng thu bình quân 40 tấn sản phẩm Nha đam tươi, trừ chi phí còn lãi thuần được từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Tương đương mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng/ha Nha đam, hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây trồng hiện có tại địa phương.
Ảnh: Tham quan vườn Nha đam HTX nông nghiệp Thuận Thiên
Đặc biệt khi nhìn vào một cánh đồng Nha đam rộng lớn của bà Thanh Tâm, gây sự thắc mắc cho người thị sát lần đầu tại đây. Bà nhẹ nhàng chia sẻ, với 05 ha Nha đam của gia đình đã chia làm các khu vực sản xuất với phương thức khác nhau. Khu sản xuất hướng Hữu cơ là quan tâm hàng đầu, tiếp đến là khu sản xuất VietGAP và sản xuất truyền thống nên sự tác động khác nhau trong phương thức sản xuất thì sự sinh trưởng và phát triển của cây Nha đam cũng khác nhau, hướng đến của HTX sẽ hạn chế tối đa không sử dụng hóa học trên cây Nha đam, vì xác định sản phẩm Nha đam cần phải sạch, chất lượng cao để đáp ứng về mặt chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.
Hiện tại, đối với diện tích Nha đam của gia đình, vì mới đưa lần đầu tiên trồng trên nền đất mà trước đây đã sản xuất các loại cây trồng khác nên phải có thời gian để cải tạo đất, dần dần mới sản xuất hữu cơ được. Mặt khác, trong thời gian đầu sản xuất cây Nha đam, chưa áp dụng đầy đủ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng với điều kiện tự nhiên vùng tiểu khí hậu, đất đai tại địa phương, nên chưa khai thác hết tiềm năng về năng suất sản phẩm. Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm, chế phẩm sinh học, công nghệ thông minh…) đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mà nguồn lực của HTX có hạn, nên vẫn còn khó khăn. Riêng diện tích sản xuất Nha đam của các thành viên HTX được liên kết bao tiêu, mỗi hộ không nhiều nên có thu nhập ổn định, bởi lẽ mức đầu tư ít, nông dân dễ dàng sản xuất, sản lượng vẫn chưa đủ theo đơn đặt hàng của các công ty chế biến.
Ảnh: Chị Cẩm Lai - Trạm KN TP.BMT tham quan vườn Nha đam
Trong thời gian tới, HTX NN Thuận Thiên sẽ nghiên cứu các giải pháp hợp lý để phát triển mở rộng vùng nguyên liệu Nha đam đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu (hiện tại cung chưa đủ cầu). Theo đó, gia tăng giá trị thu nhập cho người sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bà Thanh Tâm cũng mong Nhà nước quan tâm trong việc hỗ trợ các chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm VietGAP theo qui định để tạo điều kiện cho HTX ngày càng phát triển bền vững./.
Cẩm Lai - Trạm KN TP.BMT