Tăng cường hữu cơ cho đất sản xuất nông nghiệp
Cập nhật lúc: 29/09/2023
Cập nhật lúc: 29/09/2023
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên - tỉnh Đắk Lắk”, vừa qua, Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma thuột phối hợp với Trung tâm phát triển cộng đồng CDC tỉnh Đắk Lắk, tổ chức tập huấn cho nông dân (FFS) tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, được thực tế gặp gỡ trao đổi với bà con sản xuất các loại cây trồng, mới “vỡ ra một số vấn đề về sức khỏe của đất trồng cà phê” hiện tại.
Bà con nông dân được hỗ trợ phân hữu cơ để bón cho đất trồng
Thực tế cho thấy, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp của bà con nói chung và đất trồng cà phê nhiều nơi vẫn chưa được “trả lại hữu cơ” đúng nghĩa, sau thời gian đất bị suy thoái, bị mất đi những đặc tính, tính chất vốn có ban đầu, không có lợi cho sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng. Vì thế việc tăng cường trả lại hữu cơ cho đất là rất cần thiết.
Tại một số vườn cà phê thuộc thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk nhiều bà con cho biết, phần lớn diện tích đất trồng cà phê lâu năm của bà con đã bị nén, dẫn đến nước chảy tràn, ngày càng xói mòn, rửa trôi, sau mỗi trận mưa, làm mất đi độ thoáng khí, khả năng giữ nước của đất kém. Bên cạnh đó người sản xuất cũng chưa biết tầm quan trọng của thảm phủ thực vật trong vườn cà phê thúc đẩy sự liên kết và hình thành đất, ngăn chặn xói mòn, nên vẫn hay dùng thuốc trừ cỏ cho nhanh, đỡ tốn công, vì thế không biết rằng việc loại bỏ lớp phủ thực vật trong vườn cũng góp phần lớn trong vấn đề làm suy thoái đất, chất hữu cơ và dưỡng chất cần thiết cung cấp cho cây trồng sẽ bị rửa trôi, thậm chí gia tăng các chất độc trong đất. Việc sử dụng hóa chất một cách không hợp lý trên vườn cà phê còn có thể gây chua đất, mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, gây ô nhiễm đất tích luỹ với mức quá lớn, làm đất mất cân bằng lý tính, hình thành sự đóng váng sau mưa, hóa chất bay hơi góp phần hình thành khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn làm cho đất bị chua, vi sinh vật yếm khí hoạt động mạnh, xâm nhập vào rễ cây, làm thối rễ, ảnh hưởng lớn đến mức độ hấp thu dinh dưỡng của cây, làm giảm năng suất chất lượng sản phẩm. Trước đây, có một số bà con còn cho rằng, khi bón phân hữu cơ mỗi năm cho cà phê là cộng thêm một số tiền đầu tư nữa cho sản xuất nên khó khăn về kinh phí, đầu tư phân hữu cơ cho cà phê, ngoài việc phục hồi dinh dưỡng cho đất còn duy trì vi sinh vật trong đất, làm đất tơi xốp, rễ cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, giảm đáng kể phân vô cơ, sâu bệnh. Đặc biệt gia tăng giá trị sản phẩm cà phê, đáp ứng nhu cầu chất lượng cho thị trường. Hơn lúc nào hết, cần tăng cường bón phân hữu cơ cho đất sản xuất cà phê và các loại cây trồng khác để cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển cho năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp.
Tập huấn: hướng dẫn thực tế về thực trạng đất sản xuất tại Ea Drang, EaHleo
Để minh chứng về tầm quan trọng của phân hữu cơ đối với cây trồng, chỉ có cách hữu hiệu nhất là để người sản xuất hiểu rõ bản chất vấn đề, tự bón phân hữu cơ trên mảnh vườn của mình, tự đánh giá hiệu quả rõ nhất để duy trì phát triển. Các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho người sản xuất qui trình ủ phân hữu cơ, tạo nguồn phân hữu cơ chất lượng từ phụ phế phẩm sẵn có tại địa phương (vỏ cà phê, bã ngô, cây phân xanh, rơm rạ…) cùng kết hợp các chế phẩm cần thiết liên quan. Các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp cần liên kết hỗ trợ nông dân xây dựng những mô hình sử dụng phân hữu cơ, vi sinh trên một số loại cây trồng chủ lực (cà phê, tiêu; sầu riêng; rau màu…) song song với việc giảm hóa chất dần hướng đến sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhân rộng mô hình trả lại hữu cơ cho đất sản xuất, góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương bền vững./.
Cẩm Lai
Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột