Phúc lợi động vật – Nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi hướng tới xuất khẩu
Cập nhật lúc: 06/06/2022
Cập nhật lúc: 06/06/2022
Nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương với Vương quốc Anh trong lĩnh vực nông nghiệp và biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), từ ngày 25 – 28/05/2022, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Vương quốc Anh. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh tham gia đoàn công tác.
Trong thời gian vừa qua, dưới sự quan tâm thúc đẩy của Chính phủ hai nước, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư nông nghiệp và biến đổi khí hậu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh gần đây được đẩy mạnh và đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặt nền móng cùng hợp tác, phát triển trong tương lai.
Trong chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc hội đàm với bà Victoria Prentis, Quốc Vụ Khanh phụ trách Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn xứng tầm Đối tác chiến lược giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ và đề xuất các hợp tác cụ thể với Bộ trưởng Victoria Prentis, bao gồm hợp tác chính sách phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp; chính sách phúc lợi động vật; thúc đẩy mở cửa thị trường nông, lâm, thủy sản; và đặc biệt là tăng cường hợp tác phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học....
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc hội đàm với bà Victoria Prentis, Quốc Vụ Khanh phụ trách Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh
Đối với nội dung về phúc lợi động vật được quan tâm và đề cập đến tại hội đàm cũng là nội dung đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai. Tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm còn mới được ít người biết đến. Hiểu một cách đơn giản, đó là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có, cho dù đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường; là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển một ngành chăn nuôi bền vững. Lợi ích khi áp dụng phúc lợi vật nuôi là động vật được nuôi theo hướng phúc lợi có chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn. Chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế, đặc biệt là những sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang UK và EU. Nội dung phúc lợi động vật đã được Việt Nam thể hiện tại Điều 21 của Luật Thú y và Điều 52, 53 Luật Chăn nuôi Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (NAEC) và Tổ chức Humane Society International (HSI) đã thực hiện một số hoạt động đào tạo, tập huấn cho nông dân, xây dựng tài liệu và các video clip về Phúc lợi động vật, đồng thời xây dựng các mô hình về trang trại gà không dùng chuồng lồng và heo nái theo nhóm.
Thời gian tới, phía Việt Nam mong muốn hợp tác với Vương quốc Anh về nâng cao phúc lợi động vật, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam cải thiện phúc lợi động vật theo quy định của Luật pháp Việt Nam cũng như đáp ứng được các quy định quốc tế. Qua đó, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng) được sản xuất tại Việt Nam.
Việc nâng cao phúc lợi động vật tại Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
BBT