Phát triển 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Glong
Cập nhật lúc: 05/04/2024
Cập nhật lúc: 05/04/2024
Ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đang được huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) triển khai mạnh mẽ. Hướng đi mới này mang lại giá trị kinh tế cao và nhiều lợi ích cho người dân.
Mô hình “Nông nghiệp sinh thái công nghệ cao GEN Z Farm 1.0” với dự án trồng Dưa lê hàn quốc với diện tích 1000m2 trong nhà kính tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông).
Trên cơ sở định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện Đắk Glong hiện đã lựa chọn được 8 vùng nông nghiệp để triển khai thực hiện. Cụ thể: 5 vùng trồng trọt các loại cây là hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả; 2 vùng chăn nuôi bò (bò thịt, bò sinh sản) và thủy sản; 1 vùng chăn nuôi heo thịt gắn với giết mổ. Đây là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, tiềm năng phát triển tại Đắk Nông hiện nay.
Song song đó, huyện tổ chức các lớp đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 1.575 lao động nông thôn tham gia. Hoạt động này gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với các doanh nghiệp có mong muốn thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi bằng cách giải quyết các thủ tục hành chính.
Để đạt được mục tiêu phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Đắk Glong đang thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các hộ dân và Hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Kết quả từ năm 2018 đến nay, huyện đã hỗ trợ 2 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên cây cà phê có diện tích hơn 220ha cho 2 HTX; hỗ trợ HTX sản xuất theo chứng chỉ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho một số loại cây ăn trái.
Huyện Đắk Glong tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha thuộc xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong), có gần 100 nông dân canh tác trên vùng nguyên liệu hơn 300ha. Vườn trồng của HTX áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt thông qua hệ thống tự động. Các sản phẩm của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc sau khi đóng gói, thể hiện chi tiết mã số từng hộ thành viên.
Giám đốc HTX - ông Đặng Ngọc Hương cho biết HTX này xây dựng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP. Đồng thời, phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong việc theo dõi, giám sát các khu vực sản xuất. “Nông sản của HTX được sản xuất theo quy chuẩn nên chất lượng được khách hàng đánh giá cao. Sản phẩm của đơn vị làm ra luôn được các đối tác ở TP.HCM đến tận nơi lấy hàng và tiêu thụ hết!”
Đắk Glong xây dựng mục tiêu phát triển 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tại HTX Nông nghiệp, dược liệu, dịch vụ thương mại Thịnh Phát có gần 700ha các loại cây trồng như: cà phê, tiêu, rau, dược liệu. Trong đó, diện tích trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP có khoảng gần 100ha. Mỗi tháng, HTX đưa ra thị trường gần 100 tấn cải thảo và 200 tấn củ cải. Ngoài ra, HTX còn áp dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp bằng các ứng dụng: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021- 2025, huyện Đắk Glong phấn đấu hình thành được 2 vùng dự án cà phê (Quảng Sơn) và vùng chăn nuôi heo thịt gắn với giết mổ ở các xã Đắk Ha. Cả 2 vùng đều có quy mô 300ha. Xa hơn, giai đoạn 2026 – 2030 sẽ hình thành thêm các vùng dự án cà phê Đắk Som quy mô 600ha; vùng hồ tiêu Đắk Ha quy mô 600ha; vùng cây ăn quả Quảng Khê Quy mô 300ha; vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản Đắk Ha quy mô 350ha; vùng nuôi trồng thủy sản Đắk Som quy mô 250ha./.
Nguồn: doanhnghiepkinhtexanh.vn