Bình Định: Hiệu quả mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa năm 2016
Cập nhật lúc: 24/08/2016
Cập nhật lúc: 24/08/2016
Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn như ngô lai, lạc, mè, đậu xanh… đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn...
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Đề án chuyển đổi cây trồng cạn trên chân đất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong đó chú trọng đến chuyển đổi sản xuất các loại cây trồng cạn trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả, nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn như ngô lai, lạc, mè, đậu xanh… đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo kế hoạch chương trình khuyến nông năm 2016 được UBND tỉnh phê duyệt, trong vụ hè thu, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã xây dựng 5 mô hình trồng lạc thâm canh trên đất lúa tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát; diện tích mỗi điểm 2 ha. Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sử dụng chế phẩm Trichoderma để phòng bệnh chết ẻo (héo xanh) cho cây lạc, các giống Lạc sẻ, L14, LDH01 sử dụng trong mô hình đều đạt hiệu quả cao; năng suất đạt từ 30,3-31,5 tạ/ha, lợi nhuận từ 6,5 triệu đồng/ha đến hơn 30 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất lúa ngoài mô hình.
Trung tâm Khuyến nông cũng triển khai 5 điểm trình diễn trồng ngô lai thâm canh trên đất lúa chuyển đổi ở vụ hè tại các huyện An Lão, Hoài Ân, An Nhơn, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh; tổng diện tích các mô hình là 10 ha; các giống bắp lai được đưa vào sản xuất gồm Bioseed-06, CP 333, PAC 999 Super, MAX 07, SSC586. Kết quả tại các huyện An Lão, Hoài Ân, An Nhơn và Vĩnh Thạnh, mô hình đạt năng suất bình quân từ 65,0-68 tạ/ha, lợi nhuận tăng hơn từ 3,59-7,45 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất lúa ngoài mô hình.
Mô hình trồng thâm canh đậu xanh giống mới trên đất lúa chuyển đổi tại xã Ân Phong, Hoài Ân có quy mô 01 ha với 15 hộ nông dân trực tiếp tham gia; được trồng giống đậu xanh ĐX 208. Chỉ sau 2 tháng trồng đã thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất đạt tới 18,6 tạ/ha; so với trồng lúa thu nhập từ trồng đậu xanh tăng hơn 12,73 triệu đồng/ha.
Các mô hình trồng thâm canh cây mè thực hiện tại thôn Cẩn Hậu xã Hoài Sơn huyện Hoài Nhơn; với quy mô 01 ha, trồng giống mè V6, sau hơn 70 ngày năng suất mè đạt bình quân 10,9 tạ/ha, lợi nhuận tăng hơn 24,12 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất lúa ngoài mô hình. Một số các mô hình còn lại như mô hình trồng ngô lai tại các huyện Phù Cát, Vân Canh, mô hình trồng mè tại Vân Canh được thực hiện ở vụ thu hiện đang được bà con nông dân tập trung chăm sóc để có được kết quả tốt.
Các mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn như ngô lai, lạc, đậu xanh, mè… được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao thực hiện tại các địa phương trong vụ hè thu vừa qua đã mang lại hiệu quả cao; giúp bà con nông dân tiết kiệm được nguồn nước tưới trong điều kiện thời tiết nắng hạn, hạn chế rủi ro bởi thời tiết bất lợi; giảm được chi phí đầu tư, tăng giá trị nông sản trên đơn vị diện tích đất canh tác và tăng thu nhập.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình này ra các địa phương trong tỉnh; qua đó góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nghành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Phan Thanh Sơn
Trung tâm Khuyến nông Bình Định