Gia Lai: Cải thiện đời sống từ mô hình nuôi bò, gà
Cập nhật lúc: 15/08/2016
Cập nhật lúc: 15/08/2016
Vẫn là những loài vật nuôi quen thuộc như bò, gà nhưng khi tham gia Dự án Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Kbang lại thu được lợi nhuận rất cao và ổn định. Có hộ chỉ sau một thời gian ngắn đã thoát nghèo.
Tháng 3-2015, 15 thành viên của nhóm chung sở thích nuôi gà làng Đầm (xã Tơ Tung, huyện Kbang) bắt tay vào xây dựng chuồng trại. Số tiền 120 triệu đồng nhận hỗ trợ từ dự án, qua bàn bạc và tham khảo thông tin, nhóm đã thống nhất mua 8.000 con gà giống (15.000 đồng/con) tại cơ sở ấp gà giống của ông Nguyễn Văn Nam (tổ dân phố 2, thị trấn Kbang). “Hiện tại, nhóm đã bán được 1.903 con gà thịt với trọng lượng đạt 1,4-1,8 kg/con, giá khoảng 90 ngàn đồng/kg. Tổng số tiền nhóm thu được từ bán gà thịt là hơn 628 triệu đồng, trong khi chi phí chỉ vào khoảng 343,5 triệu đồng. Đó là chưa kể tới 1.513 con gà thịt chuẩn bị xuất chuồng, dự kiến sẽ bán được khoảng 218 triệu đồng nữa” – anh Lý Văn Thăng (thành viên nhóm CIG chăn nuôi gà thịt làng Đầm) phấn khởi chia sẻ.
Ảnh: Lê Hòa
Tham gia tiểu dự án, ngoài việc được hỗ trợ vốn ban đầu, các thành viên trong nhóm chung sở thích nuôi gà làng Đầm còn được học hỏi, tiếp cận nhiều kỹ thuật hữu ích về chăn nuôi gà thịt để tăng năng suất, chất lượng gà thương phẩm. “Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của kỹ sư nông nghiệp cũng như thành viên Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện, đại diện Ban Phát triển xã… bà con đã biết xây dựng chuồng trại khoa học, hợp lý, đảm bảo điều kiện cho gà sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Ngoài ra, việc phòng ngừa dịch bệnh cũng rất được chú trọng. Nhờ đó, gà phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao”-anh Thăng cho biết. Chỉ sau hơn một năm triển khai mô hình tại làng Đầm, trong nhóm đã có 3 hộ thoát nghèo.
Tương tự, mô hình chăn nuôi bò thôn Jlao (xã Kông Pla, huyện Kbang) cũng đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhóm có 14 thành viên (6 thành viên là người dân tộc thiểu số), trong đó có 3 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Để duy trì sự liên kết giữa các thành viên, hàng tháng, nhóm đều tổ chức họp để trao đổi thông tin liên quan đến việc chăn nuôi bò thịt, phòng tránh dịch bệnh, đồng thời chung tay giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Một điều thuận lợi là tất cả thành viên trong nhóm đều có chuồng trại xây dựng kiên cố. Để có nguồn thức ăn thường xuyên, đảm bảo cho đàn bò thịt, nhóm trồng khoảng 1,5 ha cỏ giống VA06 (trung bình mỗi hộ có 1 sào đất trồng cỏ). “Ngoài nguồn thức ăn là cỏ, chúng tôi được hướng dẫn cho bò ăn bổ sung thêm các loại cám từ bột bắp, bột mì, rơm, ngọn mía… để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng tốt nhất cho bò phát triển. Công tác phòng ngừa dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng được tuân thủ chặt chẽ mỗi năm 2 lần; xổ sán lãi, phun thuốc khử trùng chuồng trại 3 tháng/lần… bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh”-bà Nguyễn Thị Hòa-Trưởng nhóm CIG nuôi bò thịt thôn Jlao, chia sẻ.
Khác với tiểu dự án chăn nuôi gà thịt tại làng Đầm (xã Tơ Tung), các thành viên nhóm CIG nuôi bò thịt làng Jlao phải đóng góp thêm để mô hình có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Bà Hòa cho biết: “Nhóm mua về tổng cộng 21 con bò giống lai Zêbu và lai Sind, trong đó một phần do dự án hỗ trợ (120 triệu đồng) và vốn quay vòng dự án (60 triệu đồng), phần còn lại là các thành viên tự đóng góp. Hiện nay, nhóm đã bán được 21 con bò với tổng số tiền thu được là 644,4 triệu đồng. Tính trung bình mỗi con cho lợi nhuận 2-2,6 triệu đồng. Ngoài ra, tiền thu từ nguồn bán phân bò cũng được 14 triệu đồng. Lợi nhuận của nhóm sau khi trừ chi phí vào khoảng hơn 57 triệu đồng”.
Sau hơn một năm thực hiện, tiểu dự án đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho các hộ thành viên, giúp 3 hộ vươn lên thoát nghèo. Không những thế, từ nguồn quỹ gây dựng được, nhóm còn tạo điều kiện cho 2 hộ nghèo trong nhóm được vay vốn để đầu tư mua bò về chăn nuôi với số tiền 7 triệu đồng/2 hộ. Ngoài ra, nhờ quá trình tham gia cùng nhóm, nhiều hộ, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đã học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới, giúp họ thay đổi phương thức chăn nuôi; biết tận dụng nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (ngọn mía, rơm…) làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò… “Nhờ kết quả khả quan này mà nhóm quyết định sẽ tiếp tục sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của dự án để tái đầu tư trong thời gian tiếp theo. Chúng tôi rất mong mô hình này được nhân rộng để hộ nghèo các địa phương khác có thể tiếp cận và hưởng lợi” – bà Hòa chia sẻ.
Theo Baogialai.com.vn