Một số lưu ý trong chăn nuôi heo an toàn sinh học để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (202)
Cập nhật lúc: 19/08/2024
Cập nhật lúc: 19/08/2024
Tại Đắk Lắk, từ đầu năm đến đầu tháng 7 năm 2024, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 18 hộ, 14 thôn, 9 xã của 7 huyện (Krông Năng, Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin) làm chết và tiêu hủy 195 con, với tổng khối lượng 6.687 kg (Số liệu theo nguồn: Daklak 24h
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch tả heo Châu Phi lây lan nhanh, tàn phá ngành chăn nuôi heo là do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát vẫn còn phổ biến, người chăn nuôi chưa quan tâm nhiều đến biện pháp chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học. Vì vậy, để phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả heo Châu Phi kịp thời, hiệu quả thì các cơ sở chăn nuôi dù ở quy mô nào cũng cần tự xây dựng Kế hoạch an toàn sinh học của riêng mình. Đặc biệt cần quan tâm đến một số lưu ý về chăn nuôi heo an toàn sinh học như sau:
Yêu cầu về chuồng trại
Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại.
Trang trại chăn nuôi đạt các yêu cầu về an toàn sinh học (ảnh minh họa)
Kiểm soát phương tiện chuyên chở, dụng cụ dùng trong trại
Các phương tiện chuyên chở thức ăn, heo giống, thiết bị vào trại,…phải đỗ bên ngoài khu vực chăn nuôi, khử trùng toàn bộ bên ngoài xe cẩn thận trước khi vào trại. Ở trong trại cần có xe chở thức ăn và xe chở phân riêng, không dùng chung
Kiểm soát người
Chỉ những người thực sự cần thiết mới được ra vào trại. Hạn chế tối đa khách tham quan, hạn chế đến các trại heo khác hoặc chợ. Tất cả người làm, khách khi vào, ra trại chăn nuôi phải mang giày dép/ủng, quần áo bảo hộ của trại. Rửa tay bằng xà phòng cả trước và sau khi tiếp xúc với heo, dụng cụ và chuồng nuôi heo. Khi vào và ra chuồng nuôi phải dẫm vào khay có chứa dung dịch khử trùng (được thay hàng ngày) .
Kiểm soát thức ăn, nước uống
Thức ăn cung cấp cho vật nuôi phải có chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với khẩu phần ăn của các loại heo. Bảo quản thức ăn đúng quy cách và cho ăn theo quy định phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của heo. Cho vật nuôi uống nước sạch, có chất lượng đảm bảo.. Định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước, định kỳ kiểm tra, sửa chữa, làm sạch bể chứa nước, đường ống hệ thống cấp nước.
Vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng
Tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định hiện hành (dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng,..), các bệnh khác tùy theo tình hình dịch tễ ở khu vực đang chăn nuôi (Ecoli, giả dại, viêm phổi,…) để tiêm phòng cho phù hợp. Có kế hoạch định kỳ tẩy giun sán, phun thuốc diệt ký sinh trùng ngoài da cho đàn heo. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi, các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, khi nguy cơ dịch đe dọa phun khử trùng 1 – 2 lần/ngày.
Phun sát trùng chuồng trại định kỳ
Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo là vấn đề rất quan trọng và đang được người chăn nuôi quan tâm. Vì vậy việc áp dụng đầy đủ và đồng bộ 5 lưu ý về kỹ thuật chăn nuôi heo an toàn sinh học trên sẽ giúp các hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại đẩy lùi dịch bệnh, duy trì, ổn định, phát triển đàn heo, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Thanh Huyền