Giải pháp Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi, phục vụ ngành dệt may các tỉnh phía Bắc
Cập nhật lúc: 19/05/2022
Cập nhật lúc: 19/05/2022
Ngày 05 - 06 tháng 5 năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo: “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chê biến sợi, phục vụ ngành dệt may các tỉnh phía Bắc”. Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có trên 200 đại biểu là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Văn hóa cơ sở, đại diện các đơn vị trong tỉnh Thanh Hóa và gần 100 HTX, nông dân trồng gai xanh các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến dự và đưa tin. Hội thảo cũng có sự tham gia của Tập đoàn An Phước - Viramiet - doanh nghiệp thu mua sản phẩm cây gai xanh.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, cây gai xanh được trồng nhiều tại các tỉnh Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An,… với diện tích khoảng 1.600 - 2.000 ha. Giống gai xanh chủ yếu trồng là AP1 do Viện Di truyền nông nghiệp và Tập đoàn An Phước chọn tạo và công nhận giống quốc gia năm 2018. Trên cơ sở liên kết sản xuất với Tập đoàn An Phước, có 12 tỉnh trong cả nước đã đưa cây gai xanh vào canh tác và được công ty bao tiêu toàn bộ sản lượng vỏ sợi gai.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Giám đốc TTKNQG tham quan mô hình sản xuất gai lấy sợi tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là địa phương đầu tiên đưa cây gai vào sản xuất. Sau 6 năm bén rễ tại vùng đất này, cây gai xanh AP1 đã chứng tỏ những lợi ích vượt trội so với các cây trồng khác. Cây phát triển khỏe, không yêu cầu kỹ thuật cao, xuống giống một lần nhưng lưu gốc tại ruộng, cho thu hoạch 10 năm, mỗi năm cây gai xanh cho thu hoạch từ 4 -6 lứa. Đặc biệt, cây còn phát triển tốt trên đất đồi có độ dốc cao. Khi thu hoạch, cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số cây trồng khác trên cùng chân đất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, hội thảo là cơ hội cho tỉnh Thanh Hóa cùng với các địa phương đang phát triển cây gai xanh nguyên liệu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để có định hướng, giải pháp phát triển cây gai xanh góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: Đánh giá tình hình phát triển sản xuất cây gai xanh, những khó khăn vướng mắc và hướng phát triển vùng trồng cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may ở một số tỉnh phía Bắc; Giới thiệu mô hình liên kết sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến sợi. Trao đổi, thảo luận về các biện pháp nhằm định hướng phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi theo hướng hàng hóa tập trung…
Tham gia thảo luận, bà Phạm Thị Thanh ở thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích khi trồng cây gai xanh. Năm 2018, gia đình bà quyết định trồng thử 1 ha cây gai xanh và được cán bộ khuyến nông địa phương, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Nông nghiệp An Phước hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Theo bà Thanh, cây gai xanh là cây rất dễ phát triển, ít sâu bệnh mà hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng các loại cây khác. Vì vậy, bà tiếp tục đầu tư sản xuất. Đến nay, tổng diện tích trồng cây gai xanh của gia đình bà là trên 19,2 ha.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Giám đốc TTKNQG thăm nhà máy chế biến sợi gai của công ty CP NN An Phước
Sau khi nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị tham gia, ý kiến phát biểu đại diện của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo cần định hướng phát triển cây gai xanh theo hướng đa giá trị và giao cho các đơn vị trong Bộ cần thực hiện những nhiệm vụ như sau:
- Giao Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cục Bảo vệ thực vật, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo chuyên đề về cây gai xanh tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, tập trung về các nội dung: giống, quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
- Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng dự án Khuyến nông về phát triển cây gai, xây dựng mô hình điểm tại một số tỉnh có sản xuất gai xanh như Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An. Kết hợp với các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.
- Giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa xây dựng thí điểm mô hình cơ giới hóa về sản xuất cây gai xanh theo hướng tổ hợp tác/HTX dịch vụ cơ giới hóa.
- Giao Văn phòng Nông thôn mới Trung ương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương nghiên cứu xây dựng sản phẩm OCOP từ cây gai xanh, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP, định hướng phát triển cây gai xanh đa giá trị.
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng phương án hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho nông dân trồng gai xanh nhằm từng bước phát triển bền vững vùng nguyên liệu phục vụ ngành dệt may trong nước.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã tiến hành tham quan mô hình sản xuất gai lấy sợi tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa và tham quan nhà máy chế biến sợi của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramiet.
Cây gai xanh bước đầu đã chứng tỏ lợi ích hơn hẳn so với một số cây trồng khác trên cùng chân đất
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia
Đỗ Tuấn - Nguyễn Sâm