Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Đường cũ đi hoài, giờ phải tìm đường mới mà đi'
Cập nhật lúc: 28/04/2023
Cập nhật lúc: 28/04/2023
TPO - “Có lẽ chúng ta nên nghĩ ngược lại và làm khác đi. Chuyển từ tư duy chính thức sang tư duy phi chính thức. Đường cũ đi hoài giờ phải tìm đường mới mà đi”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói khi dự hội thảo “Nâng tầm nông - thủy sản Việt” tại Cần Thơ, chiều 27/4.
Chiều 27/4, tại Cần Thơ, diễn ra Hội thảo “Nâng tầm nông - thủy sản Việt” do báo Người Lao Động phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức.
Liên kết lỏng lẻo
Phát biểu tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân cho biết, câu chuyện được mùa rớt giá, giải cứu nông sản diễn ra nhiều năm nay. Hai năm trở lại đây, hàng nông sản Việt Nam ra nước ngoài dễ dàng hơn, bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, vấn đề của hàng hóa nông, thuỷ sản Việt Nam hiện nay là có thể sống được với hàng nước ngoài, các nước xung quanh, nhất là Thái Lan, ngay trên đất của mình không.
GS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo
Theo GS Xuân, nguyên nhân do bà con nông dân dù vào Hợp tác xã (HTX), lập thành những vùng sản xuất lớn, có sản phẩm, nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, nhưng các HTX sản xuất tốt còn rất ít. Có đến 70% nông dân vẫn thích làm ăn riêng lẻ, đất đai manh mún, làm theo ý mình.
Ông Xuân cho rằng, nông dân gắn kết với doanh nghiệp rất lỏng lẻo, cần phải cải thiện. Ví dụ trong ngành đường, gắn kết giữa nông dân trồng mía và nhà máy sản xuất đường rất chặt chẽ, nhưng nhiều khi, nông dân lẫn doanh nghiệp thường "bẻ kèo".
Nông dân thu hoạch xoài tại Đồng Tháp
Để nâng tầm uy tín nông sản, thuỷ sản Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần tính toán, sản phẩm OCOP nào thật sự nổi bật, đại diện cho địa phương thì phát triển không chỉ trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông Xuân cho rằng, nông dân phải đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, hạn chế dùng sản phẩm hoá học để có nguồn nguyên liệu tốt. Cùng với đó, phải quan tâm đến nhãn hiệu và thương hiệu, kể cả đăng ký nhãn hiệu, và chăm sóc, giữ vững thương hiệu đó.
Cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mỗi lần về ĐBSCL, ông đều rất vui vì gặp nhiều người quen nhưng cũng có nhiều trăn trở.
Ông Hoan kể, ông vừa đọc 2 cuốn sách. Đầu tiên là cuốn "Nghĩ ngược lại, làm khác đi". “Có lẽ chúng ta nên nghĩ ngược lại và làm khác đi. Chuyển từ tư duy chính thức sang tư duy phi chính thức. Đường cũ đi hoài giờ phải tìm đường mới”, ông Hoan nói.
Cuốn thứ 2, theo ông Hoan là "Bán nông, bán X". Ông Hoan kể, đọc cuốn này thấy Nhật Bản thành công trong hoàn cảnh khó khăn như mình, đó là xung đột giữa quá trình đô thị hóa với quá trình giữ lại nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Bình.
Bộ trưởng Hoan dẫn câu "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", nhắc về hiện tượng giải cứu xoài; chuyện bưởi Bến Tre vừa xuất khẩu giá hơn 100.000 đồng/kg bỗng rớt giá còn vài chục nghìn đồng, nông dân loay hoay đốn bưởi để trồng sầu riêng...
“Chúng ta nói về nâng tầm nông, thủy sản, nhưng cần phải nhớ, nền nông nghiệp của ta đa phần nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và không phải lúc nào liên kết với nông dân cũng suôn sẻ. Do sản xuất manh mún nên chất lượng không đồng đều, sản xuất nhỏ lẻ chi phí cao, tự phát nên xung đột, cạnh tranh lẫn nhau”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần phải thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn. Phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp với nông dân.
Ông Hoan cũng cho rằng, phải thoát khỏi tư duy mùa vụ của nông dân, tư duy thương vụ của doanh nghiệp, tư duy nhiệm kỳ của chính quyền. “Tôi mong rằng doanh nghiệp ở ĐBSCL cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài”, Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Nguồn: Báo Tiền phong