Bắc Giang: Đột phá nhờ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Cập nhật lúc: 03/08/2017
Cập nhật lúc: 03/08/2017
Tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của Tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong tỉnh ang đang tập trung nguồn lực; xây dựng các mô hình điểm nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Dương Văn Thái cho biết, "Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là nội dung mới, vốn đầu tư cao nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi được phương thức tổ chức sản xuất. Các mô hình xây dựng cần thành lập HTX, hình thành chuỗi sản xuất có quy trình sản xuất chung để có sản phẩm đồng đều, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm...".
Hiện này, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Nhật trên địa bàn huyện Lạng Giang bằng giống Nihonmai, hiệu quả kinh tế tăng 30 - 35% so với trồng giống lúa thường ở địa phương.
Tỉnh đã phục tráng và phát triển nguồn gen giống lạc đỏ Bắc Giang nhằm chọn lọc giữ được những đặc tính tốt của giống, cung cấp hạt giống có chất lượng góp phần tăng năng suất từ 5 - 10% và tăng thu nhập cho người trồng lạc.
Tỉnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng các giống hoa đào mới tại thành phố Bắc Giang bằng các giống đào bích GL2-1, đào phai GL2 - 2, đào bạch GL2-3, thu nhập ước đạt 450 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Hiện toàn tỉnh có 30 mô hình sản xuất nấm với khoảng 500 hộ tham gia, sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu khoảng 25 - 30 tỷ đồng/năm. Tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh vải hàng hóa lớn nhất cả nước, sản lượng bình quân hàng năm đạt 150.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như 22 mô hình rau, nấm trồng trong nhà lưới, nhà màng với diện tích 41.178 m2; các mô hình tưới tiết kiệm, mô hình rau thủy canh, mô hình tưới nhỏ giọt cho chè, mô hình phun mưa tự động; các mô hình nuôi lợn sạch, lợn hữu cơ với chuồng kín, hiện đại....
Tiềm năng lớn từ sản xuất nấm
Theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Bắc Giang xác định nấm là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực. Hiện nay có hàng trăm hộ trồng nấm thu nhập cao, tập trung tại các huyện Lạng Giang, Sơn Động, Yên Dũng, Việt Yên....
Theo quy trình trồng nấm công nghệ cao, nấm giống được mua tại Trung tâm Giống nấm Bắc Giang - nơi đã được nhận giấy chứng nhận loại A về điều kiện sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản. Nấm giống ở đây luôn đảm bảo an toàn, chất lượng. Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân lõi ngô... được tận dụng từ quá trình sản xuất nông nghiệp.
Ở giai đoạn chuẩn bị, toàn bộ phần nguyên liệu trên được trộn với nước vôi hoặc cho vào lò hấp khử trùng nguyên liệu. Trong quá trình trồng nấm, các loại hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật đều bị cấm sử dụng. Lượng phân bón cũng chỉ ở mức vừa đủ. Riêng với nấm mỡ và nấm sò, suốt toàn bộ quá trình, bà con chủ bón thúc một lần với đạm.
Để tránh bệnh ấu trùng ruồi (bệnh ruồi đẻ), người trống nấm lắp đặt các lưới chắn, ngăn sinh vật như ruồi, muỗi lọt vào và rắc vôi bột trong lán trại. Bên cạnh đó, các đồ dùng, dụng cụ sản xuất nấm cũng được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
Sau khoảng 3 tháng, nấm sẽ được thu hoạch và đưa vào sơ chế, đóng gói thành phẩm. Trong quá trình này, người sản xuất luôn đeo khẩu trang, găng tay và mặc quần áo bảo hộ, tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điển hình như mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 5.000m2 của ông Đỗ Vinh Thúy (Nghĩa Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang) đầu tư 800 triệu đồng trồng nấm sạch và thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến từ khâu nhân giống đến nuôi trồng nấm cũng làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân ở Lạng Giang.
Gia đình anh Đồng Văn Hiệp, ở thôn Khoát, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang cũng có thu nhập cao từ trồng nấm. Sau đó được sự hỗ trợ chuyển giao dự án trồng nấm của tỉnh, năm 2015 anh đầu tư mở rộng lán trại lên 5.000m2, trong đó 700m2 là nhà xưởng, mỗi vụ đưa vào sản xuất trên 300 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, thu về trên 1 tỷ đồng/năm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, Sở đã chuyển giao cho người dân nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất nấm như công nghệ nhân giống hạt, que với năng lực sản suất từ 800 - 1.000kg/ngày. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, đạt sản lượng sản xuất nấm từ 8.000 - 9.000 tấn/năm, sẽ xây dựng 12 mô hình cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu (trong đó 5 mô hình hợp tác xã, 7 mô hình sản xuất nấm ứng dụng CNC), tổ chức tập huấn kỹ thuật... với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 8,7 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là lĩnh vực mới và gặp nhiều khó khăn. Nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ. Ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn thực hiện rất lớn. Bên cạnh đó, sản xuất luôn gắn với thị trường, nếu chỉ quan tâm đến sản xuất mà quên đi vấn đề tiêu thụ sẽ dễ gặp tình trạng được mùa mất giá. Tuy nhiên, hiện nay cơ bản các địa phương tại trong tỉnh Bắc Giang đã có những mô hình bước đầu, mặc dù vẫn đang ở quy mô nhỏ và sơ khai.
Lê Huy(baomoi.com)