An Giang: Trồng nấm mối đen theo hướng tuần hoàn khép kín
Cập nhật lúc: 24/06/2024
Cập nhật lúc: 24/06/2024
Nấm mối đen là loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng quý, chứa đạm hữu cơ, vitamin, a-xít a-min và nhiều khoáng chất khác. Đây là món ăn bổ dưỡng, không hóa chất độc hại trong thời buổi khan hiếm thực phẩm an toàn như hiện nay. Trồng nấm mối đen theo hướng tuần hoàn khép kín mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Trăn trở với thực phẩm bẩn
Việc tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp trồng nấm mối đen theo hướng tuần hoàn khép kín của chị Châu Thị Nương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) là một trong những cách làm hay, tạo ra thực phẩm sạch, giúp cho trên 20 lao động nữ có việc làm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.
HTX Nông nghiệp Tà Đảnh thành lập năm 2020. Với sự đam mê và sự quyết tâm sản xuất các loại nấm sạch, chị Châu Thị Nương đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cám bắp, cám gạo) phối trộn làm phôi giống, cấy meo tạo ra giá thể nuôi trồng thành công các loại nấm, như: nấm mối, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to và các loại cây trồng khác theo chuỗi tuần hoàn khép kín, tiến đến nền nông nghiệp bền vững, trong đó phát triển mạnh là nấm mối đen.
Trước đây, chị Châu Thị Nương làm ruộng và buôn bán vật tư nông nghiệp. Nhận thấy xung quanh mình có nhiều người bệnh, vấn đề thực phẩm bẩn khiến nhiều người lo lắng, vợ chồng chị nung nấu ý định sản xuất ra các loại thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là nấm mối đen nhằm phục vụ nhu cầu thức ăn sạch, ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, trước hết sử dụng cho gia đình và lan tỏa đến nhiều người cùng biết.
Chị Nương bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu, mày mò trên sách, báo, truyền hình, mạng xã hội và thầy, cô các viện, trường đại học để nắm rõ đặc tính sinh trưởng của nấm mối đen, quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất. Những sản phẩm nấm đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng ra đời từ đó.
Sau khi thu hoạch nấm, phụ, phế phẩm phôi nấm được dùng làm thức ăn cho trùn quế, tạo ra lượng phân hữu cơ rất tốt, hữu ích và tiếp tục bón cho cây lúa, bắp. Sau đó, chị lấy thân cây tiếp tục làm phôi nấm, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín, không có rác thải, không ô nhiễm môi trường, lại có sản phẩm nấm sạch, dinh dưỡng phục vụ người tiêu dùng.
Chị Nương chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm mối đen
Hướng đến tăng trưởng xanh
Mô hình của chị Châu Thị Nương ngày càng gặt hái nhiều thành công. Năm 2023, chị đã tham dự và đoạt giải “Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất” cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam. Cuộc thi góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Sản xuất tuần hoàn theo hướng ESG là sản xuất sạch, tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp tạo ra các sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị dinh dưỡng cao. Chị Châu Thị Nương cho biết, nấm mối được nuôi trồng theo quy trình khép kín, hoàn toàn không sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu, vì thế nấm không bị mùi hôi mà còn thơm ngon với vị ngọt, giòn rất hấp dẫn. Đặc biệt, nấm mối là loài nấm ngọt có thể thay thế bột ngọt trong chế biến món ăn hàng ngày; dùng chế biến các món cháo, lẩu, chiên bột, kho tiêu, xào, nướng...
Hiện tại, nấm được trồng ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Các sản phẩm được phân phối tại siêu thị, nhà hàng trong tỉnh và các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Tà Đảnh cung cấp cho thị trường trung bình 50 – 60 kg nấm mối, mỗi năm cung cấp gần 20 tấn sản phẩm, giá bán nấm tươi từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, tạo thu nhập khá cao, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn.
Sản phẩm nấm mối của HTX Nông nghiệp Tà Đảnh
ần 4 năm triển khai mô hình, không tránh khỏi những thất bại và rút ra nhiều kinh nghiệm. Chị Châu Thị Nương chia sẻ: “Trồng nấm mối không quá khó, nhưng chỉ một chút sơ suất sẽ bị hư toàn bộ phôi nấm. Phôi nấm phải bảo quản và chăm sóc thật cẩn thận, khi vận chuyển phải để ở nhiệt độ mát (từ 24 – 26 độ C), nếu trồng không đúng theo quy trình cũng như nhiệt độ cao, nấm sẽ hư toàn bộ. Ngoài ra, phôi nấm xử lý đúng thời gian sẽ không nhiễm nấm xanh hoặc nấm đen. Thu hoạch nấm phải đúng thời điểm, không quá sớm cũng không quá trễ, nhằm giữ được giá trị dinh dưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian bắt đầu đến kết thúc thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng sẽ hết tơ nấm.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tà Đảnh Châu Thị Nương cho biết, thời gian tới, sẽ mở rộng quy mô nhà trồng nấm, tăng sản lượng và đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại sấy thăng hoa và cấp đông để xuất khẩu thị trường nước ngoài.
Trồng nấm mối không quá khó nhưng đòi hỏi sự cẩn thận trong từng khâu
TT.Y Lý Hwing
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia