Trạm khuyến nông huyện Cư Kuin triển khai có hiệu quả Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo
Cập nhật lúc: 12/08/2014
Cập nhật lúc: 12/08/2014
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp trên địa bàn huyện Cư Kuin trong những năm gần đây đã được người dân chú ý và mạnh dạn áp dụng vào trong sản xuất, trong trồng trọt các chế phẩm sinh học đã được người nông dân áp dụng khá phổ biến, tuy nhiên việc áp dụng các chế phẩm sinh học vào chăn nuôi còn rất mới đối với người nông dân.
Hiện nay, chăn nuôi của nông dân chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ và tại hộ gia đình trong khu dân cư vì vậy việc xử lý mùi hôi từ chất thải chăn nuôi luôn là vấn đề được các hộ chăn nuôi và chính quyền địa phương quan tâm.
Thực hiện kế hoạch khuyến nông năm 2014, nhằm giới thiệu và chuyển giao các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp đến bà con nông dân trên địa bàn huyện. Trạm khuyến nông huyện Cư Kuin đã triển khai thực hiện mô hình trình diễn “Nền chuồng chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học” tại 02 xã Hòa Hiệp và Ea Ktur. Sau quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng, mô hình nền chuồng chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học đã đem lại hiệu quả rõ rệt: nâng cao hiệu quả chăn nuôi; hạn chế mùi hôi do chất thải chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, cải thiện môi trường chăn nuôi.
Nguyên liệu để làm đệm lót sinh học rất đa dạng, chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn: có độ sơ cao, không dễ bị làm mềm và có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích. Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin sử dụng nguyên liệu trong các điểm mô hình gồm hai loại chính là mùn cưa và vỏ trấu. Trong đó mùn cưa 6m3 /1 điểm và vỏ trấu 6m3 /1 điểm, số lượng này đảm bảo rải đủ độ dầy nệm mút là 60cm; ngoài ra cần thêm bột bắp 15 kg; chế phẩm BALASA N01 2 kg.
Độ dầy đệm lót của mô hình được thiết kế dày 60 cm và định kỳ hai tháng có bổ sung thêm 10 cm nguyên liệu có ủ men vì trong quá trình sử dụng đệm lót thường bị sụt giảm độ cao. Sau khi xử lý nền chuồng bằng đệm lót sinh học xong 5 ngày thì bắt đầu cho heo vào nuôi.
Trao đổi với các hộ tham gia mô hình còn cho biết thêm: Họ có thể tận dụng được 100% nguồn phân heo thải ra sau 5 tháng nuôi. Như vậy chỉ tính riêng thu nhập từ nguồn phân tận dụng được đã đủ chi phí cho một lần xây dựng nền chuồng bằng nệm mút sinh học. Mặt khác so với các hộ chăn nuôi heo không sử dụng nệm mút sinh học người dân còn nhận thấy: Thức ăn và tiền mua con giống và các chi phí khác đều tương đương nhau nhưng các hộ sử dụng nệm mút sinh học tiết kiệm được tiền điện điện, sức lao động do không phải tắm cho heo, vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra tăng cường sức đề kháng cho heo, hạn chế được các bệnh ngoài da, heo tăng trưởng tốt, tăng chất lượng thịt và quan trọng hơn cả là xử lý triệt để chất thải từ chăn nuôi heo, phù hợp với quy mô nông hộ và chăn nuôi trong khu dân cư. Và đặc biệt với đệm lót sinh học sẽ giữ ấm cho vật nuôi trong mùa đông do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh vật.
Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo đã được bà con chăn nuôi heo tại 02 xã Hòa Hiệp, Ea Ktur hưởng ứng và đánh giá đạt hiệu quả cao. Hy vọng rằng trong thời gian sắp đến, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện và được bà con nông dân đón nhận, góp phần đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong chăn nuôi tại địa phương.Tin, ảnh: Hoàng Liên