Trải nghiệm thực tế từ chương trình IPM trên cây lúa nước
Cập nhật lúc: 19/09/2023
Cập nhật lúc: 19/09/2023
Nhìn sự tập trung chăm chú, tỉ mỉ, nghiêm túc, đưa những nét bút chì màu vẽ thể hiện lại hình ảnh cây lúa đang thời kỳ đẻ nhánh cùng sinh vật tự nhiên trong mối quan hệ tương hỗ trên ruộng lúa (sâu hại, thiên địch, cỏ cây, mực nước, ánh sáng mặt trời….) của những học viên đang tham gia lớp học “IPM trên lúa”, cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết trong trải nghiệm giá trị thực tế về phát triển sản xuất lúa bền vững của chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp –IPM” tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Đây là một buổi học tập của thành viên lớp IPM về điều tra hệ sinh thái đồng ruộng, thông qua hoạt động quan sát, đo đếm tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa, nắm bắt hệ sinh thái đồng ruộng và sau đó thể hiện lại trên giấy A0 để phân tích, đánh giá, thống nhất đưa ra biện pháp tác động hợp lý. Theo đó, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, môi sinh, góp phần cho chương trình nông nghiệp tái sinh và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Học viên rất hào hứng với nội dung thực hành - vẽ hệ sinh thái ruộng lúa
Lớp học của nông dân lần này diễn ra suốt 14 tuần (mỗi tuần 1 buổi) của vụ lúa hè thu năm 2023 tại xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Là một trong bốn lớp IPM- FFS được Chi cục trồng trọt Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh phối hợp với địa phương triển khai tại 2 huyện (huyện Krông Ana 2 lớp, Buôn Đôn 2 lớp) theo chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk (tại Kế hoạch số 5302/KH-UBND, ngày 16/6/2021).
Tham gia lớp IPM trên lúa tại xã Dray Sáp phần lớn là phụ nữ (25/30 học viên) là người dân tộc thiểu số tại chỗ có thâm niên sản xuất lúa nước của địa phương, hầu hết là người lớn tuổi (lớn nhất là 69 tuổi), nhưng tất cả đọc viết thành thạo cùng tinh thần học hỏi rất cao.
Cô H’Ken Êban, đã 63 tuổi, là học viên của lớp IPM trên lúa cho biết, gia đình sản xuất lúa mấy mươi năm qua, đây là lần đầu tiên được tham gia lớp học IPM dài ngày. Cứ mỗi tuần cô trông mong đến ngày thứ 6 để được đến lớp, được cùng những học viên trong tổ lội ruộng đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng của cây lúa, được giảng viên hướng dẫn, giới thiệu thực tế các loại thiên địch trên ruộng (côn trùng ăn sâu hại), vi sinh vật ký sinh gây hại, và nhận diện các loại sâu bệnh hại và triệu chứng gây hại trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Cô chia sẻ, trước đây, khi chưa tham gia lớp học cô H’Ken Êban cứ nghĩ hầu hết sinh vật có mặt trên ruộng lúa đều là sâu hại nên thường mang thuốc hóa học ra phun, giờ thì đã hiểu ra khi nào không nên sử dụng thuốc.
Theo chị H’Rê Hđơk, là thành viên trẻ nhất (sinh 1996), tích cực nhất của lớp IPM cho biết, gia đình chị sản xuất 3.000m2 lúa nước, lần đầu tiên chị tham gia chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, chị thấy như quay lại cái thời học sinh rất thú vị. Chị được giao cho nhiệm vụ vẽ, viết lại hệ sinh thái ruộng lúa sau khi điều tra thực trạng ngoài đồng ruộng, được chủ động thảo luận, bàn bạc cùng các thành viên của tổ, phân tích đưa ra giải pháp tác động tốt nhất. Chị rất vui vì qua lớp học, nhận biết qui trình, kinh nghiệm sản xuất lúa từ lớp học IPM để làm cơ sở áp dụng trên ruộng của gia đình mình, thay đổi tập quán sản xuất lúa trước đây, sẽ giảm được từ 3 đến 4 lần phun thuốc hóa học cho một vụ lúa, vừa giảm kinh phí đầu tư, vừa không ảnh hưởng sức khỏe của mình, sức khỏe cộng đồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Thực hành điều tra hệ sinh thái ngoài động ruộng
Nhìn chung tất cả học viên đã tự nguyện tham gia lớp học, lần đầu được các giảng viên tận tình hướng dẫn thực tế đồng ruộng qua từng buổi học, thường xuyên chủ động thực hiện quá trình điều tra hệ sinh thái, ghi chép, vẽ viết, báo cáo và tranh luận sôi nối để đưa giải pháp hợp lý nhất tác động cho cây lúa, để cho năng suất và chất lượng cao, làm cơ sở nhân rộng trên diện tích lúa còn lại ở địa phương, nên rất hào hứng, phấn khởi.
Anh Trần Anh Thiên Lộc, cán bộ Trạm trồng trọt – BVTV huyện Krông Ana cho biết, anh và 4 thành viên của tổ, đang tham gia chương trình “Đào tạo giảng viên IPM thực hành (TOT) trên cây lúa năm 2023” do Chi cục TT & BVTV Đắk Lắk tổ chức và được phân công triển khai hướng dẫn thực tế lớp học IPM cho nông dân (FFS) tại huyện nhà. Đây là lớp quản lý dịch tổng hợp –IPM trên lúa đầu tiên các anh chị trong tổ tham gia hướng dẫn cho bà con, trên cơ sở “Khung chương trình huấn luyện” mà tổ giảng viên IPM quốc gia (thuộc Chi cục TT-BVTV Đắk Lắk) và các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp – BVTV chuyển giao. Theo đó tất cả thành viên của tổ giảng viên IPM rất tâm huyết và hướng dẫn tận tình cho nông dân để mang lại hiệu qủa cao nhất. Bởi lẽ thành công của lớp học IPM (FFS) lần này sẽ làm cơ sở để nhân rộng chương trình IPM trên lúa cho các huyện, thành phố trong thời gian tới./.
Cẩm Lai
Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột