Kỹ thuật nuôi cá diêu hồng trong lồng bè trên sông và hồ chứa
Cập nhật lúc: 22/06/2020
Cập nhật lúc: 22/06/2020
Tỉnh Đăk Lăk hiện có khoảng 42.000 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản.Trong đó, về tiềm năng để phát triển nuôi cá lồng bè tại tỉnh nhà rất lớn: 550 công trình thủy lợi lớn và vừa;có khoảng 441 hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, với tổng diện tích mặt thoáng khoảng 8.930 ha. Bởi vậy, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk đã thực hiện nhiều mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa. Trong năm 2020, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè trên sông và hồ chứa tại huyện EaKar. Mô hình sẽ giúp bà con tận dụng tối đa mặt nước, từng bước đa dạng hóa vật nuôi có giá trị kinh tế cao và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
1. Lựa chọn vị trí đặt lồng bè
- Vị trí đặt lồng bè phải nằm trong vùng quy hoạch và đảm bảo yêu cầu: pH = 6,5-8; Hàm lượng oxy hòa tan: 5-8mg/l; Nhiệt độ nước: 28- 300C; Độ trong: 40- 75 cm;
- Lồng nuôi đặt tại các khu vực kín gió, thoáng, độ sâu >4 m, tốc độ dòng chảy 0,2 – 0,3 m/s
Lựa chọn vị trí đặt lồng bè là bước quan trọng trọng nuôi cá trên sông hay hồ chứa
2. Thiết kế và lắp đặt lồng bè
2.1. Kích thước lồng
- Quy cỡ lồng thích hợp nuôi cá có thể tích từ 40 - 250 m3; Kích thước: 4÷8 (m) x 4÷8 (m) x 2,5÷4 (m).
- Các lồng được ghép lại với nhau tạo thành bè nuôi.
2.2. Khung lồng
- Khung lồng có kích thước 24 x 12m, gồm 2 dãy mỗi dãy 5 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 4,5 x 4m hoặc khung lồng có kích thước 18 x 18m, gồm 3 dãy, mỗi dãy 3 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 5 x 5m.
2.3. Lồng lưới
- Lồng lưới có dạng hình hộp lập phương hoặc hình hộp chữ nhật có 1 mặt đáy, 4 mặt bên, mặt để hở gọi là miệng lồng.
- Lồng làm bằng lưới polyetylen (PE) dệt không co rút. Cỡ mắt lưới phụ thuộc vào kích cỡ cá lúc thả thường (2a) = 1 - 4cm, trong một vụ nuôi thường ta sử dụng 3 loại mắt lưới: Ban đầu chọn mắt lưới có kích thước (2a) =1cm, kích thước thứ 2: 2a = 2,5 cm, kích thước thứ 3: 2a = 4cm, đáy lưới lồng được cố định bằng dây giềng nối với đá ghiềm hoặc các can nhựa chứa cát.
Lưu ý: Tất cả các lồng dù thiết kế bằng vật liệu gì trên các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài
2.4. Phao nâng lồng
- Dùng tấm xốp có kích thước 50 x 60 x 90 cm, thùng phi sắt hoặc phi nhựa 200lít. Để đảm bảo sức nổi của lồng, bố trí mỗi ô lồng từ 4 – 6 phao, phao được cố định vào khung lồng bằng dây thép
Thiết kế, lắp đạt hệ thống lồng nuôi
3. Kỹ thuật thả giống
- Cá giống có kích thước đồng đều, từ 6÷8 cm/con. Cỡ cá đồng đều, cân đối, vây hoàn chỉnh, không bị sây sát, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng, Cá khỏe, phản xạ nhanh.
- Cá giống khi được chuyển về tới điểm lồng, thả nguyên bao xuống khoảng 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ trong bao với môi trường bên ngoài. Sau đó mở bao, cho nước vào từ từ để cá bơi ra ngoài. Thời gian thả vào lúc trời mát, tốt nhất vào buổi sáng 5 – 8 giờ. Không thả cá giống khi môi trường nước đục.
- Mật độ thả: 100 con/m3
- Trong ngày đầu, không cho ăn để cá thích nghi với môi trường mới.
Thả cá giống
4. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi
4.1. Quan sát trực tiếp trong lồng bè:
- Cá bơi nhanh, tập trung thành đàn, tiếp cận thức ăn nhanh, màu sắc đặc trưng cho thấy cá khỏe
- Cá bơi chậm, rải rác, không tập trung, bắt mồi kém, màu sắc nhợt nhạt cho thấy cá yếu
4.2. Thức ăn:
- Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng nổi, độ đạm tiêu hóa đảm bảo tối thiểu từ 24% trở lên. Cho ăn từ 2-3 lần/ngày với khẩu phần ăn từ 2-3% trọng lượng thân.
- Để đảm bảo cá sinh trưởng và phát triển tốt cần bổ sung thêm các loại men vi sinh, vitamin, khoáng chất...
- Cần cho cá ăn theo nguyên tắc “3 xem”: xem điều kiện thời tiết, xem biến động các yếu tố môi trường, xem tình trạng sức khỏe của cá; “4 định”: định chất lượng thức ăn, định số lượng thức ăn, định vị trí cho cá ăn, định thời gian cho cá ăn.
5. Vệ sinh lồng bè và quản lý môi trường nuôi
- Kiểm tra, vệ sinh, dùng bàn chải cọ rửa hoặc máy xịt sạch bùn, phù sa bám trong và ngoài lồng bè, loại bỏ thức ăn dư thừa, gỡ bỏ rác bám hoặc thay lồng nuôi mới để tăng khả năng lưu thông của nước bên trong và ngoài lồng bè.
- Nếu điều kiện môi trường bất lợi cần dùng máy bơm tạo dòng chảy mạnh hoặc máy thổi khí để tăng ô-xy, đẩy bùn, rác ra khỏi lồng bè.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến của môi trường nước, quan sát các hoạt động bơi lội, bắt mồi của cá để có các biện pháp xử lý kịp thời.
6. Thu hoạch
- Sau thời gian nuôi 6 tháng cá đạt trên 800 gr/con, tiến hành thu hoạch cá.
- Dừng sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh trước 2 tuần khi xuất bán.
- Dừng cho cá ăn ít nhất 1 ngày trước khi đánh bắt hoặc vận chuyển để không làm ảnh hưởng đến cá.
Hồng Duyên – Phòng Đào tạo & Truyền thông