Tọa đàm “Phổ biến kiến thức về thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm”
Cập nhật lúc: 07/10/2020
Cập nhật lúc: 07/10/2020
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với người nông dân. Tọa đàm “Phổ biến kiến thức về thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk" diễn ra vào ngày 02 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.
Thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, làm tăng nhanh về quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững, chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 4008/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương về Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân thuộc chương trình mục tiêu Quốc Gia xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Ngày 2 tháng 10 năm 2020, tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương tổ chức tọa đàm “Phổ biến kiến thức về thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk”
Tọa đàm đã được tổ chức với sự tham gia của của các cơ quan, doanh nghiệp, Hội nông dân, Hợp tác xã và bà con nông dân. Tại hội nghị, đại biểu tham dự được các chuyên viên cao cấp của Vụ kế hoạch, Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công thương trao đổi, khái quát về chuỗi giá trị hàng nông sản và liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản; các mô hình liên kết thành công, điển hình tại Việt Nam và đặc biệt là các nội dung tham luận liên quan đến Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ nông sản nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn ở Việt Nam và giải pháp thúc đẩy; các chính sách thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Bên cạnh những nội dung trao đổi của các chuyên viên nghiên cứu, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến đóng góp rất quý báu liên quan đến đề xuất các giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm nông sản, các khó khăn vướng mắc, bất cập trong việc triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP vv…..
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng lớn một số loại nông sản như cà phê, cao su, tiêu, ca cao, sắn… và là tiền đề để có thể phát triển các sản phẩm nông sản tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đã thông qua việc ban hành nhiều nghị quyết, đề án chuyên đề phát triển kinh tế nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên để tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, tỉnh ta cần tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, bên cạnh đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, chính sách thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.
Hoàng Liên