Sản phẩm rau sản xuất hữu cơ Buôn Ma Thuột ổn định đầu ra trong mùa đại dịch Covid-19
Cập nhật lúc: 30/08/2021
Cập nhật lúc: 30/08/2021
Thời gian qua, kể từ khi Đắk Lắk thực hiện Chỉ thị 16 của Chính Phủ về giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ngoài sản lượng rau thu gom hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam chống dịch, vẫn có một lượng rau sản xuất truyền thống trên địa bàn, khó tiêu thụ. Riêng sản lượng rau hữu cơ tại Buôn Ma Thuột đầu ra vẫn ổn định và có phần hiệu quả hơn so với trước kia.
Được biết, hiện tại diện tích rau hữu cơ tại Buôn Ma Thuột thống kê sơ bộ gần 20 ha (tăng 10 ha so với năm 2019), sản xuất tại nhiều đơn vị như, Ea Tam, Ea Kao, Hòa Khánh, Cư Êbua, Tân Tiến, Tân Lợi, Thành Nhất….nhưng chưa có diện tích rau hữu cơ nào được cấp chứng nhận, trừ diện tích rau sản xuất hữu cơ (2,5 ha) của hộ kinh doanh Hạnh Nhân tại thôn 8, xã Cư Êbur đang được thành phố Buôn Ma Thuột hỗ trợ triển khai sản xuất để cấp chứng nhận hữu cơ năm 2021.
Anh Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Công ty TNHH NicoNico Yasai có trụ sở tại phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, hiện tại công ty anh vừa sản xuất và liên kết 10 ha rau hữu cơ, trong đó Buôn Ma Thuột 4 ha, còn lại là sản xuất tại Krông Bông, Măng Đen và Vân Hồ - Sơn La. Mặc dù diện tích rau của anh chưa được cấp chứng nhận, nhưng trong mùa dịch bệnh này, đầu ra cho sản lượng rau hữu cơ luôn ổn định. Bỡi lẽ, với uy tín của nhiều năm sản xuất rau hữu cơ chất lượng, đến nay các đơn vị sản xuất đã liên kết mở rộng thị trường, đưa rau hữu cơ của Buôn Ma Thuột vào các siêu thị lớn, nhiều cửa hàng, cơ sở, bán lẻ cho nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Ở TP. Hồ Chí Minh rau hữu cơ sản xuất ở Buôn Ma Thuột đã có mặt tại Công ty TNHH family Mart; Công ty TNHH Muji Ritail Việt Nam; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Công ty TNHH Hưm VN; Công ty CP Oyaco; Cửa hàng TPHC Happy Trade; OrganicFood.vn…Tại Đà Nẵng rau hữu cơ Buôn Ma Thuột được các cơ sở đại diện phân phối, như Siêu thị Vita Mart; Công ty TNHH nông trại An Phú, Siêu thị Hi Mart…Tại Buôn Ma Thuột rau hữu cơ được cung cấp cho Siêu thị Thành Phát Bakery, Công ty TNHH thực phẩm sạch Buôn Ma Thuột, trường Mầm non Happy Kids và nhiều cơ sở bán lẻ khác.
Trong thời gian dịch bệnh, việc tổ chức sản xuất có chậm lại, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ tại các tỉnh tăng lên, có lúc khó đáp ứng hết nhu cầu theo đơn đặt hàng của các tỉnh. Theo anh Nguyễn Thế Hạnh, vừa sản xuất và liên kết gần 4 ha rau hữu cơ tại xã Cư Êbua, sản phẩm rau hữu cơ của anh hiện tại đầu ra vẫn đều đặn. Mặc dù thời gian chuyên chở và giao nhận rau hữu cơ trong mùa đại dịch Covid -19 có chậm hơn, tuy nhiên với kinh nghiệm đóng gói rau sao cho đảm bảo các yêu cầu cần thiết, thì sản phẩm rau đến tay khách hàng vẫn tươi ngon, giá sản phẩm rau ổn định. Còn theo anh Đức, một trong những đơn vị liên kết sản xuất gần 7 ha rau hữu cơ tại Buôn Ma Thuột cho biết, sản lượng rau hữu cơ trong mùa dịch này không phụ thuộc giá thị trường ở các chợ truyền thống, bỡi thời gian qua rau hữu cơ dần dần đã hình thành “thương hiệu của niềm tin” nên đã ổn định đầu ra với giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với rau sản xuất truyền thống.
Ảnh: Mô hình rau hữu cơ của anh Hạnh tại thôn 8, xã Cư Êbur, TP.BMT
Mặc dù đầu ra sản phẩm rau hữu cơ ổn định, diện tích sản xuất rau hữu cơ có tăng, nhưng nhìn một cách khách quan, vấn đề phát triển sản xuất rau hữu cơ vẫn tăng rất chậm so với diện tích sản xuất rau hàng năm của Buôn Ma Thuột (1800ha/năm). Bỡi vì nông nghiệp hữu cơ ngày nay không phải là quay lại phương thức canh tác đơn giản, thô sơ xa xưa mà trong canh tác hữu cơ chỉ thừa kế những quan điểm hữu cơ truyền thống, gần gũi với tự nhiên, nhưng biện pháp hữu cơ sinh học, nay đã được nâng lên thành công nghệ hiện đại, kết hợp với hệ thống canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt mới khống chế được dịch bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh tiềm ẩn… lại không được sử dụng hóa học.
Thực tế cho thấy, năng suất rau hữu cơ thấp, chi phí công lao động nhiều, kéo theo giá thành sản phẩm cao vì thế hiệu quả kinh tế bước đầu chưa cao, khó phát triển, chỉ trừ một số đơn vị, cá nhân có hiểu biết sâu về kỹ thuật sản xuất cùng sự đam mê về nông nghiệp hữu cơ mới tham gia trong lĩnh vực này. Phương thức hữu hiệu mà các đơn vị sản xuất rau hữu cơ đang áp dụng là đi sâu vào công nghệ sinh học, vừa sản xuất rau vừa nghiên cứu, nhân nuôi tạo ra nhiều chế phẩm sinh học để khống chế sâu, bệnh hại, không làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Trong thời gian tới, với nhu cầu thị trường ngày càng cao về sản phẩm rau hữu cơ, cùng với phương thức, qui trình sản xuất rau hữu cơ hình thành, trên cơ sở chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, nhà nước quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình rau hữu cơ có chứng nhận, để khẳng định thương hiệu rau hữu cơ Buôn Ma Thuột.
Với tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ đối với nền nông nghiệp địa phương, năm 2019 UBND tỉnh đã có Quyết định số 3079/QĐ-UBND, ngày 21/10/2019 về việc ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 và theo đó thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã có Kế hoạch số 188 về phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Với mục tiêu xác định các vùng nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên một số cây trồng chủ lực, kể cả rau quả các loại, để tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn phổ biến văn bản qui định về nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến triển khai từ 3 đến 5 mô hình sản xuất hữu cơ cấp chứng nhận để làm cơ sở nhân rộng tại địa phương. Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất đối với nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ tham gia triển lãm, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm và kết nối thị trường đầu ra bền vững./.
Cẩm Lai – Trạm KN. TP BMT