PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI GIA CẦM
Cập nhật lúc: 03/12/2020
Cập nhật lúc: 03/12/2020
Vừa qua,Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo với chuyên đề “Truyền thông tài liệu về thực hành quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm” tại Tp Quy Nhơn - tỉnh Bình Định cho các cán bộ khuyến nông các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận.
Hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp một cách hợp lý hơn, có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi một cách bài bản, cùng những giải pháp căn cơ và có những sản phẩm gia cầm có lợi thế có tính cạnh tranh tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm nhiều tiềm ẩn nguy cơ đe dọa bởi dịch bệnh, hạn chế trong liên kết sản xuất, đôi khi mất cân đối cung cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao.
Vừa qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo với chuyên đề “Truyền thông tài liệu về thực hành quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm” tại Tp Quy Nhơn - tỉnh Bình Định cho các cán bộ khuyến nông các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia báo cáo với các chuyên đề: Thực trạng sản xuất,quản lý giống và giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học tại Việt Nam; Đánh giá một số kết quả hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và FAO để nâng cao nhận thức về thực hành tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi hiện nay; Tăng cường quản lý sản xuất và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm; Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam khi tham gia các hiệp định CPTPP, EVFTA…
Toàn cảnh hội thảo
Qua các chuyên đề, các chuyên gia hàng đầu ngành chăn nuôi gia cầm đã cho chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh và các góc nhìn trong mỗi mắt xích về phát triển ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam hiện nay như sau:
THỰC TRẠNG KHÓ KHĂN
Về quản lý nhà nước, chính sách: Chính phủ đã ban hành các đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, quản lý giống, chiến lược phát triển chăn nuôi theo từng giai đoạn nhiều chính sách phát triển chăn nuôi và chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vốn vay, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các chính sách này đã và đang đi vào sản xuất thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực chăn nuôi. Những chính sách của nhà nước rất hay nhưng khó tiếp cận ở các địa phương. Năng lực tổ chức hoạt động các hợp tác xã không đồng đều… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dẫn đến tính năng động trong liên doanh, liên kết quản lý sản xuất dịch vụ kinh doanh chưa cao.
Về liên kết chuỗi giá trị: Là hình thức tổ chức phố biến hiện nay trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất, đảm bảo cho việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, các cơ sở chăn nuôi đã dần nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập chưa được tháo gỡ như: chưa có cơ chế chính sách riêng cho việc xây dựng phát triển chăn nuôi theo chuỗi, các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, một số doanh nghiiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi. Vấn đề khó và đặc biệt cần quan tâm là thị trường, tiêu thụ, chế biến, giết mổ chưa được nêu bật trong nội dung tái cơ cấu.
Ông Đỗ Văn Hoan – Cục Chăn nuôi đánh giá về phát triển chăn nuôi gia cầm
Mặt khác, ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: Khâu tổ chức sản xuất còn thiếu tính liên kết, giá cả phụ thuộc thương lái, hiệu quả chăn nuôi chưa cao, trình độ quản lý trang trại còn hạn chế, hệ thống sổ sách ghi chép mang tính hình thức, chưa kiểm soát được an toàn dịch bệnh.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống còn thấp, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi chưa nhiều. Chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng không có nguồn gốc trên thị trường. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu trung gian. Tiếp cận các nguồn thông tin thị trường còn hạn chế.
ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
Thực hiện từng bước đề án tái cơ cấu ngành. Phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số loại gia cầm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Phương thức chăn nuôi cần tạo ra bước đột phá, tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, tạo ra khối sản phẩm hàng hóa lớn. Tổ chức lại chăn nuôi nhỏ lẻ có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học.
Hình thành các mô hình liên kết chăn nuôi để tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Xây dựng các cơ sở nuôi gia cầm bố mẹ hoặc ông bà và các cơ sở ấp trứng gia cầm tại địa phương. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã phá triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Cố vấn kỹ thuật quốc gia FAO trao đổi về tăng cường quản lý sản xuất và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm
Giải pháp về tổ chức sản xuất: Kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; kiểm dịch kiểm tra vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến vận chuyển và kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ động vật đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y bảo đảm chất lượng an toàn và hiệu quả. Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Từng bước giảm dần cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tăng dần cơ sở chăn nuôi lớn, khuyến khích xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vietgahp, globalgap… Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy tình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi, kiểm soát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm cho các cơ sở giết mổ, chế biến.
Giải pháp về khoa học kỹ thuật: Xây dựng quy trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật vào quản lý giống, sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi; tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ khuyến nông, nông dân chăn nuôi….
Giải pháp về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tìm kiếm thị trường tiềm năng. Tổ chức liên kết giữa các khâu trong sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất thành các trang trại chăn nuôi, liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã… Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Cao Phúc