Kỹ thuật sạ hàng - giảm lượng giống gieo sạ
Cập nhật lúc: 02/05/2024
Cập nhật lúc: 02/05/2024
Vụ Đông Xuân năm 2023-2024, được sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông – Giống CTVN&TS, Trại Lúa giống Hoà Xuân triển khai sản xuất 14 ha lúa giống Hạt Vàng 36, áp dụng kỹ thuật gieo sạ hàng tại cánh đồng thôn 5 xã Hoà Xuân, Tp Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.
Kỹ thuật sạ hàng này được nông dân rất đồng tình, mạnh dạn áp dụng đưa vào sản xuất, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân từ trước tới nay. Được hỗ trợ 100% dụng cụ sạ hàng, có 40 hộ nông dân tham gia với diện tích gieo sạ 14ha, với lượng giống 100kg/ha giảm 30kg/ha so với gieo sạ lan. Mô hình sạ hàng này nhằm mục đích tiết kiệm chi phí sản xuất, bên cạnh việc giảm lượng giống, sạ thưa sẽ giảm được phân bón, cây lúa thưa sẽ ít bị sâu bệnh hơn, đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời ruộng sạ hàng có diện tích lớn nên rất thuận lợi cho việc kéo giàn, chủ động tưới tiêu.
Máy sạ lúa giống theo hàng Lúa non được 6 ngày sau khi sạ
Kỹ thuật gieo lúa bằng công cụ sạ hàng khoảng cách hàng sông 18 - 20 cm, thuận lợi cho việc chăm sóc bón phân đồng thời tạo độ thông thoáng, tăng cường khả năng quang hợp, giúp cho cây lúa hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, sinh trưởng phát triển mạnh, Mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế tác hại của môi trường sâu bệnh mà còn tăng năng suất, chất lượng, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc quản lý lượng giống gieo sạ phù hợp với điều kiện canh tác thực tế. Mô hình này cần được nhân rộng trong cộng đồng với mục tiêu giảm lượng giống gieo sạ. Mặt khác, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng lợi nhuận cho nông dân
Lúa trong giai đoạn chín sáp
Qua mô hình cho thấy các hộ tham gia đã biết áp dụng thành thạo kỹ thuật sạ hàng. Ưu điểm của phương pháp này là năng suất lao động tăng, giảm bớt công tỉa dặm, ruộng lúa thông thoáng, chủ động độ sâu gieo, chủ động mật độ song yêu cầu làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng để dễ điều tiết nước.
Mật độ gieo sạ cụ thể, qua từng vụ lúa khác nhau sẽ giúp nông dân điều chỉnh vụ nào nên gieo sạ ở mật độ nào cho phù hợp đối với ruộng của mình để đạt hiệu quả, nông dân cần thay đổi và nắm bắt quy trình canh tác tốt nhất, tự tin hơn trong giảm giống, giảm phân bón và biết cách quản lý dịch hại đạt hiệu quả cao. Có thể nói mô hình sạ hàng bước đầu đã khẳng định được tính hiệu quả tiết kiệm được lượng giống, phân bón… so với sạ lan. Năng suất bình quân đạt trên 8,0 tấn/ha./.
H Jer Aliô