HỘI THẢO SƠ KẾT DỰ ÁN NUÔI CÁ LỒNG BÈ TRÊN SÔNG VÀ HỒ CHỨA TẠI CÁC TỈNH NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN
Cập nhật lúc: 21/12/2020
Cập nhật lúc: 21/12/2020
Vừa qua, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo sơ kết Dự án nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2020. Dự án được triển khai tại 04 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đăk Lăk
Hội nghị diễn ra trong ngày 11/12/2020 tại Khách sạn Pleiku, Tỉnh Gia Lai với gần 100 đại biểu. Đồng chủ trì hội nghị có ông Trịnh Quốc Việt- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Gia Lai và ông Lê Hữu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam. Đại biểu tham dự gồm đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Cán bộ khuyến nông, các hộ tham gia thực hiện dự án năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và các hộ nông dân nuôi cá lồng bè đến từ 03 tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và Đăk Lăk.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2020 là năm thứ 2 triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh nam Trung bộ và Tây nguyên”. Đây là dự án Khuyến nông Trung ương thuộc giai đoạn 2019 – 2021. Mục tiêu dự án nhằm: “Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Dự án tập trung vào các nội dung: xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo nhân rộng ngoài mô hình, thông tin tuyên truyền và quản lý dự án. Việc triển khai dự án trong các năm 2019 – 2021 được kỳ vọng sẽ là những bước đi cần thiết góp phần đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa nói riêng tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân, tạo ra các sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Tại Hội Nghị đã đánh giá về kết quả thực hiện các mô hình trong năm 2020 của các Tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Quảng Nam. Tại 03 tỉnh đã thực hiện 03 mô hình gồm cá Thát Lát Cườm và cá Lăng Nha. Nhìn chung, các mô hình thực hiện đảm bảo theo các yêu cầu của dự án đặt ra. Đối với cá Thát Lát đạt trọng lượng bình quân 0,6 kg/con, tỷ lệ sống trên 70%; Cá Lăng Nha trọng lượng bình quân 0,8 kg/con, tỷ lệ sống 85%.
Mô hình cá Thát Lát Cườm tại hồ Ia Ly- xã Ia Phí, huyện Chư Păh, Gia Lai
Mô hình cá Lăng Nha tại hồ EaDrai, xã Tân Tiến, Krông Pách, Đăk Lăk
Cũng tại Hội nghị các đại biểu đã sôi nổi tham gia đói góp ý kiến. Nội dung phát biểu đều đều tập trung các vấn đề: Kỹ thuật nuôi cá lồng bè, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp, sử dụng các loại thức ăn để giảm chi phí sản xuất. Nội dung được đại biểu quan tâm nhất là cần xây dựng quy trình nuôi cá lồng bè đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt nữa là cần có sự phối hợp kết nối để các mô hình gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đại biểu Đăk Lăk phát biểu ý kiến
Sau khi đánh giá trao đổi tại Hội Nghị, các đại biểu đi tham quan mô hình nuôi cá Thát Lát Cườm của chủ hộ Vũ Văn Khoa tại hồ Ia Ly- xã Ia Phí, huyện Chư Păh, Gia Lai. Tại đây các đại biểu đã được quan sát trực tiếp hệ thống lồng bè nuôi, cân đo đánh giá thực tế về tố độ sinh trưởng phát triển của cá. Đặc biệt, cũng tại đây các đại biểu còn được tham quan các mô hình nuôi cá Lóc, Diêu hồng, Rô Phi nhóm hộ đang nuôi trong lòng hồ.
Đoàn đại biểu ra thăm lồng bè
Kéo cá đánh giá tại hồ Ia Ly- xã Ia Phí, huyện Chư Păh, Gia Lai
Sau 01 ngày cùng đánh giá, trao đổi và thảo luận Hội nghị đã cho thấy: Việc triển khai dự án đã góp phần khai thác tiềm năng diện tích mặt nước còn lớn trong tỉnh, chuyển đổi sang nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao tạo công ăn việc làm, thu nhập cho ngư dân, đồng thời làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Thành công bước đầu của dự án cũng cho thấy khả năng nhân rộng rất tốt thuộc các tỉnh trong vùng dự án./.
Nguyễn Thị Hồng Duyên