HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU TỪ MÔ HÌNH NUÔI DÊ SINH SẢN
Cập nhật lúc: 17/01/2022
Cập nhật lúc: 17/01/2022
Trong những năm gần đây do điều kiện thời tiết khí hậu không thuận lợi nên tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp, như dịch tả lợn Châu phi, dịch cúm gia cầm, dịch viêm da nổi cục, dịch lở mồm long móng trên bò, trên lợn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của địa phương mà trực tiếp là gây thiệt hại cho bà con chăn nuôi. Nhằm ổn định đời sống sản xuất cho bà con nông dân chăn nuôi tại địa bàn huyện Krông Pắc, khai thác lợi thế của địa phương. Tháng 5/2021, Trạm khuyến nông huyện Krông Pắk đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” tại thôn 6D và Buôn Ea Su xã Êa Phê.
Mô hình có sự góp vốn của người dân do Trạm Khuyến nông làm chủ đầu tư. Nhà nước hỗ trợ con giống và thức ăn hỗn hợp theo tỷ lệ 70%, nông dân đối ứng 30% tiền mua dê và thức ăn, xây dựng chuồng trại, trồng cây thức ăn cho dê. Mô hình có quy mô 35 con dê giống Bách Thảo lai Boer với 5 hộ tham gia (mỗi hộ 6 con dê cái và 01 con dê đực). Đây là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số có tinh thần cầu thị, ham học hỏi khoa học kỹ thuật, chịu khó lao động, có ý chí vươn lên làm giàu. Thông qua mô hình người dân được trang bị các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê như cách chọn dê giống, thức ăn cho dê, chăm sóc dê khi sinh và phòng trị bệnh cho dê… Mô hình đảm bảo các tiêu chí: Dê giống tốt, tỉ lệ lên giống cao, lớn nhanh, không nhiễm dịch bệnh. Đến nay, 100% dê giống được phối và có thai, đã có 5 dê mẹ (trong đó 01 con bị sẩy thai) và 6 dê con. Khối lượng sơ sinh trung bình: 1,8 kg/con. Một số dê có dấu hiệu sắp đẻ. Trong thời gian thực hiện mô hình đã được lãnh đạo địa phương và rất nhiều nông dân quan tâm. Đây là tín hiệu vui cho việc nhân rộng mô hình.
Ảnh: Chủ hộ Hoàng văn Báo phấn khởi bên đàn dê của mình
Thông qua mô hình, bà con nông dân có thể nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản trong nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học, ghi chép được nhật ký chăn nuôi trong quá trình chăm sóc, phòng dịch bệnh trên dê, tạo thói quen chăn nuôi một cách khoa học từ khâu xây dựng chuồng trại có hố ủ phân, hố sát trùng cách ly đến thói quen sử dụng trang thiết bị lao động như quần áo bảo hộ lao động, ủng, găng tay, khẩu trang… Từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất của hộ gia đình chăn nuôi dê cũng như phát triển đàn dê tại địa phương…nhằm mục đích cuối cùng là phát triển đàn dê an toàn dịch bệnh, dê sinh sản và phát triển tốt. Hướng đến hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi dê, từ đó cung cấp thị trường sản phẩm dê giống, dê thịt chất lượng, an toàn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nông dân, đặc biệt là không ảnh hưởng môi trường xung quanh, sức khỏe của người chăn nuôi được cải thiện, góp phần ổn định kinh tế, chính trị xã hội của huyện.
Việc tìm hướng đi cho chăn nuôi bền vững là vấn đề cấp bách của các cấp, các ngành có liên quan. Kết quả của mô hình có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chăn nuôi dê tại địa phương. Đánh thức được nhiều hộ dân có cách nhìn tích cực, quan tâm hơn đến vấn đề an toàn dịch bệnh, vấn đề môi trường so với cách nuôi dê trước đây. Mô hình chăn nuôi dê sinh sản hình thức nuôi nhốt hoàn toàn đã hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân ít đất sản xuất có cơ hội tham gia chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Thay đổi thói quen người nông dân từ chăn nuôi dê thả rông sang nuôi nhốt, từ việc phụ thuộc thức ăn tự nhiên sang chủ động nguồn thức ăn do mình trồng và chế biến. Tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vươn lên làm giàu.
Thiết nghĩ, chăn nuôi dê sinh sản là vấn đề cần được duy trì và nhân rộng trong việc phát triển đàn dê địa phương theo hướng bền vững./.
Văn Hợp – Khuyến nông Krông Pắc.