Đắk Lắk: Phát triển sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ
Cập nhật lúc: 23/11/2022
Cập nhật lúc: 23/11/2022
Ghé thăm vườn cà phê sản xuất hướng hữu cơ, xanh ngát và chi chít quả đang thời kỳ già rộ của hộ chị Trần Thị Thảo tại xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, mọi thành viên trong đoàn đều cảm nhận “luồng gió mới” về phát triển sản xuất cà phê hữu cơ trong thời gian tới tại Đắk Lắk.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông - Giống CTVN&TS tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện dự án KNTW giai đoạn 2021 – 2023 “Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị” tại huyện Krông Năng. Trong khuôn khổ của dự án, các mô hình cà phê theo hướng hữu cơ bước đầu được triển khai, làm cơ sở nhân rộng phát triển cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm cà phê đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, có giá trị kinh tế cao hơn, gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững mà chủ trương đã đề ra. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông- CTVN và TS tỉnh Đắk Lắk đã xúc tiến xây dựng mối liên kết giữa các hộ tham gia mô hình với HTX nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC tại địa phương. HTX sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm cà phê hữu cơ với giá mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm theo thoả thuận cam kết hợp tác khi bắt đầu triển khai mô hình.
Mô hình cà phê hữu cơ thuộc dự án của chị Trần Thị Thảo tại xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
Là một trong số các hộ tham gia thực hiện dự án, chị Thảo cho biết, với hiện trạng vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, cùng lượng quả trên cây, năng suất ước tính năm nay thu hoạch đạt 3,5 tấn nhân/ha, cao hơn năng suất cà phê khi chưa áp dụng qui trình sản xuất hữu cơ khoảng vài tạ/ha. Theo chị Thảo việc tăng năng suất bước đầu như vậy chưa phải là điều đáng quan tâm, mà quan trọng là hiện tại nhìn tổng thể vườn cây xanh tươi, cành dự trữ phát triển tốt, với lượng sinh vật có ích (nhện, bọ rùa đỏ, bọ mắt vàng, bọ rùa nhỏ, ong ký sinh, vi sinh vật ký sinh….) đang hiện hữu trong vườn, cùng nền đất vườn cà phê tơi xốp, màu mỡ…, dự tính cho những mùa cà phê bội thu sau này. Chị cho biết thêm, áp dụng qui trình sản xuất cà phê hướng hữu cơ không khó, khi được các nhà chuyên môn hướng dẫn cụ thể từ cách chăm sóc, bón phân, tưới nước, đến quản lý dịch hại…. Qua đó đã làm thay đổi suy nghĩ của chị trước đây - khi chưa tiếp cận thực tế với phương thức sản xuất cà phê hữu cơ. (là chỉ có sử dụng hóa học thì cây cà phê mới cho năng suất cao). Cái được nhất mà chị Thảo thấy khi thực hiện mô hình sản xuất cà phê hướng hữu cơ là hạn chế tối đa sử dụng hóa học trong phân bón và thuốc trừ sâu bệnh, đã bảo vệ sức khỏe các thành viên trong gia đình khi tham gia sản xuất trên vườn, bảo vệ sức khỏe người sử dụng sản phẩm cà phê.
Việc phát triển sản xuất cà phê hữu cơ hiện nay đã có những thuận lợi hơn, diện tích sản xuất cà phê hữu cơ đã được cơ quan quản lý nhà nước cùng các đơn vị chuyên môn tại địa phương chọn lựa trong vùng quy hoạch, đáp ứng điều kiện thích nghi, hợp lý để triển khai. Bên cạnh đó nhiều hộ sản xuất cà phê trong thời gian qua cũng đã ý thức được giá trị cạnh tranh hàng hóa đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Song song đó, lĩnh vực công nghệ sinh học ngày càng phát triển, thị trường đã chủ động cung ứng các chế phẩm sinh học thay thế dần hóa học trong quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp trên cây cà phê. Bản thân cây cà phê có khả năng trả lại cho đất một nguồn dinh dưỡng thông qua khối lượng lớn vỏ cà phê làm phân hữu cơ. Khi vườn cà phê đáp ứng dinh dưỡng đầy đủ, sinh trưởng và phát triển tốt thì khả năng kháng sâu bệnh hại rất cao, đó cũng là yếu tố hạn chế thuốc hóa học. Hay nói cách khác khi người sản xuất hiểu được “mối quan hệ tương hỗ”giữa các sinh vật trong vườn cà phê (dinh dưỡng đất – cây trồng – sâu hại – thiện địch – môi trường), để tác động một cách hợp lý thì vườn cà phê sẽ phát triển bền vững.
Lớp tập huấn về Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông - GCT,VN&TS tỉnh tổ chức
Thiết nghĩ, hiện nay nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn là phải tập trung, tăng cường giúp người sản xuất cà phê hiểu và thấy được hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về sức khỏe cộng đồng, môi trường và phát triển bền vững vườn cà phê hữu cơ của mình. Theo đó cần tiến hành sớm các giải pháp quan trọng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức chuyên sâu về cây cà phê. Một khi lực lượng khuyến nông có năng lực và tâm huyết thì sẽ tham mưu tốt các giải pháp liên quan và trực tiếp hỗ trợ người sản xuất phát triển nhân rộng cà phê hữu cơ một cách hiệu quả nhất./.
Cẩm Lai
Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột