Đắk Lắk: Phát triển cà phê bền vững cần tăng cường áp dụng nguyên tắc “Bốn đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cập nhật lúc: 26/05/2023
Cập nhật lúc: 26/05/2023
Trong sản xuất cà phê, đặc biệt là cà phê chất lượng, cà phê “chứng nhận”, ngoài biện pháp về giống; đất đai; về đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng; đa dạng sinh học; tưới tiêu; chăm sóc….thì biện pháp kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn cà phê là hết sức quan trọng. Bởi lẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cà phê đúng nguyên tắc sẽ quyết định đến giá trị sản phẩm, cân bằng sinh thái, liên quan đến môi trường, hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, thương hiệu cà phê, hiệu quả kinh tế và quá trình phát triển cà phê bền vững.
Trao đổi với một số thành viên của HTX sản xuất cà phê tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, được biết, hiện nay nhiều diện tích cà phê của nông dân vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện, đặc biệt là cà phê của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó thực trạng đất sản xuất cà phê ngày càng bị chai hóa, cà phê không phát huy tiềm năng năng suất, chất lượng chưa đảm bảo và giá trị thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của nhiều địa phương.
Tháng 12/ 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản qui định cấm 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh, 01 hoạt chất thuốc trừ chuột và 01 hoạt chất thuốc trừ cỏ (trong phụ lục Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam - Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT). Năm 2023, riêng lĩnh vực sản xuất cà phê chất lượng đã cấm sử dụng nhiều hoạt chất hóa học đối với cà phê được chứng nhận (như 4C, Fair Trade, Rainforest Alliance), cho dù hoạt chất đó được phép sử dụng tại Việt Nam (tại Phụ lục I - Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT). Minh chứng như hoạt chất Abamectin, Cypermethrin, là loại hóa chất đặc trị sâu hại trên cà phê trước kia, hiện tại cấm sử dụng trên cà phê chứng nhận Rainforest Alliance, mặc dù vẫn được phép sử dụng trên các loai cây trồng khác tại Việt Nam. Mới đây (01/2023) Liên minh Châu âu (EU) cũng đăng công báo “siết” quy định dư lượng hóa chất trên nông sản và hạt, theo đó ngưỡng dư lượng hóa chất trừ sâu trên sản phẩm cà phê là 0,1 mg/kg, hóa chất diệt cỏ trên sản phẩm cà phê là 0,02 mg/kg và diệt nấm là 0,1 mg/kg (Công báo và sẽ được áp dụng sau 6 tháng có hiệu lực - theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ), theo đó xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU cũng sẽ đối diện với những thách thức mới.
Đi tìm hiểu vấn đề này cho thấy những qui định liên quan hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng, chỉ có những đơn vị, những cá nhân làm công tác quản lý, chuyên môn, các công ty, đơn vị kinh doanh cà phê xuất khẩu có liên quan thì mới biết đến. Còn phần lớn người trực tiếp sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cà phê nói riêng chưa biết những hoạt chất hóa học cụ thể đã cấm sử dụng. Nông dân có biết chăng cũng chỉ biết một, vài hoạt chất thuốc trừ cỏ quá độc hại được các phương tiện truyền thông nhắc nhở nhiều lần (Glyphosate, 2,4D, Paraquate…). Nhiều nông dân cho rằng tên của hoạt chất hóa học thì khó đọc, khó nhớ nên không để ý các loại thuốc đã cấm sử dụng. Mặt khác, nông dân không có thời gian, điều kiện và cách để tra cứu, tìm hiểu các loại hoạt chất đã cấm sử dụng trên cà phê. Có một số ít nông dân biết là thuốc hóa học đã cấm sử dụng, nhưng thấy hiệu quả tức thời trong trừ dịch hại nên vẫn tìm mua ở những nơi không được cấp phép kinh doanh.
Cán bộ khuyến nông tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV
Để hạn chế tối đa sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, đi đến không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật đã cấm sử dụng trong sản xuất cà phê chất lượng, cà phê chứng nhận cần có những giải pháp hữu hiệu. Cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển cà phê bền vững tại Đắk Lắk, trong đó có hoạt động bảo vệ thực vật cho cà phê. Phát huy vai trò quan trọng của các cấp chính quyền và các tổ chức địa phương là đầu mối để liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và nông dân sản xuất cà phê. Phối hợp, liên kết tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn (giảng viên TOT) cấp huyện, để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa nông nghiệp của địa phương, tập trung cà phê là cây chủ lực. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cấp cơ sở để trực tiếp chuyển giao kỹ thuật và nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất cà phê. Để nông dân nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất cà phê gắn với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội. Trước hết phải giúp người dân nhận thấy khi sử dụng hóa chất đúng nguyên tắc, ngoài quyền lợi trực tiếp cho gia đình (giá trị thu nhập, sức khỏe thành viên, hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, …) thì phải có đến trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, thông qua nguyên tắc “Bốn đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Muốn nông dân thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải quan tâm gắn bó, tạo điều kiện hơn với nông dân để cùng nông dân tạo nên những sản phẩm cà phê chất lượng, đáp ứng chỉ tiêu yêu cầu đối với các chứng nhận cà phê hiện hành./.
Cẩm Lai
Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột