ĐẮK LẮK: MÔ HÌNH TRỒNG SẮN CHO NĂNG SUẤT CAO - HƯỚNG ĐI ĐÚNG
Cập nhật lúc: 07/12/2020
Cập nhật lúc: 07/12/2020
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sắn đứng thứ 2 ở Tây Nguyên chỉ sau Gia Lai với hơn 38.700 ha. Tuy nhiên từ tháng 4/2018, bệnh khảm lá sắn do virus gây hại nặng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện hơn 1.300 ha sắn trên địa bàn tỉnh bị bệnh khảm lá, nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá tập trung ở các huyện trồng sắn trọng điểm như Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Súp….
Năm 2020,Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông- Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk triển khai Dự án Khuyến nông: “Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm” với diện tích 20 ha trên địa bàn xã Cư Mlan huyện Ea Súp.
Giống sắn được trồng là giống KM140, đây là giống sắn sạch bệnh khảm lá sắn. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí hom cây giống, 50% chi phí vật tư phân bón, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về thâm canh cây sắn bền vững. Trong quá trình thực hiện, cán bộ phụ trách mô hình thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát; tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật cho 100 nông dân thực hiện mô hình và 80 nông dân ngoài mô hình. Qua hội thảo đầu bờ và hội nghị tổng kết mô hình, đã giúp người dân thấy được hiệu quả kinh tế mô hình đem lại, đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc chăm sóc và quản lý phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá sắn do vi rus gây hại, để áp dụng trong điều kiện sản xuất thực tế của gia đình.
Cán bộ và bà con nông dân tham gia hội thảo đầu bờ đánh giá năng suất giống sắn
Ông Nguyễn Văn Thuật là hộ tham gia mô hình rất phấn khởi cho biết: tỉ lệ mắc bệnh khảm lá trong mô hình khoảng 10-15 %, trong khi đó diện tích sắn ngoài mô hình tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá sắn là 50-60%. Giống sắn KM140 là giống có cây nhỏ hơn giống khác, rất dễ chăm sóc, rất thích hợp với đất pha cát, bạc màu ở vùng Ea Súp, có 10-14 củ/ bụi, khối lượng củ khoảng 4,0 kg/bụi, năng suất sắn củ tươi của gia đình ông đạt rất cao 50 tấn/ha, với giá bán tại thời điểm khoảng 2.000 đồng/kg; chi phí đầu tư 17 triệu/ha; lợi nhuận là 83 triệu/ha. So với năm ngoái, gia đình ông trồng sắn lợi nhuận thu về chỉ được 35 triệu/ha. Sang niên vụ tới, ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn sử dụng giống KM 140 và khuyên bà con nên mở rộng trồng giống KM140.
Bà Bùi Thị Thư là hộ tham gia mô hình sắn chia sẻ: Giống sắn KM140 kháng sâu bệnh rất tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá sắn là 5-10 %, trong khi đó tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá sắn của các hộ ngoài mô hình là 60-70 %. Gia đình bà làm 02 ha sắn, chi phí đầu tư là 35 triệu, năng suất của tươi thu được 90 tấn; với giá bán tại thời điểm 2.000 đồng/ kg thì lợi nhuận mang lại là 145triệu; đây quả là số tiền quá lớn đối với gia đình bà. Bà mong muốn, mô hình cần tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện trong vụ tới.
Ông Nguyễn Văn Thuật - hộ tham gia mô hình phấn khởi với kết quả mô hình mang lại
Giống sắn KM140 là giống sắn cho năng suất cao nhất từ trước đến nay so với những giống đang được trồng trên địa bàn huyện Ea Súp, hiệu quả kinh tế tăng hơn 30 % so với sản xuất đại trà. Sự thành công của mô hình sẽ là cơ sở để phòng nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch, mở rộng diện tích trong các niên vụ tiếp theo. Thông qua mô hình, nông dân có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, bảo quản nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác; đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững, phục vụ cho nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh.
Nguyễn Chung- TTKN-GCT,VN&TS Đăk Lăk