Đắk Lắk: Làm giàu từ Mô hình chăn nuôi Dê sinh sản
Cập nhật lúc: 02/01/2024
Cập nhật lúc: 02/01/2024
Được triển khai trong năm 2023, mô hình chăn nuôi dê sinh sản do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thuỷ sản phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện triển khai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều hộ gia đình tham gia. Một phần tận dụng nguồn lao động sẵn có của gia đình và nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều hộ gia đình đã thành công trong triển khai mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình được triển khai trên địa bàn 03 huyện (Krông Pắk, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ) với số lượng 96 con (84 con dê cái và 12 con dê đực) với 12 hộ tham gia trong đó DTTS chiếm 52%. Giống dê được sử dụng là giống Bách Thảo. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% về dê giống, thức ăn, thuốc thú y; được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn dê tại chuồng. Đặc biệt, được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi dê do Trạm Khuyến nông tổ chức tại địa phương.
Trong thời gian triển khai thực hiện, cán bộ kỹ thuật và các hộ tham gia mô hình thường xuyên trao đổi, chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi để đàn dê khỏe mạnh và phát triển tốt như: Kiểm tra hàng ngày để nhận biết tình trạng sức khoẻ đàn dê, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định; đảm bảo đầy đủ lượng thức ăn nhất là vào mùa khô, nên tận dụng nguồn thức ăn xanh có sẵn trong nương rẫy trên địa bàn...
Anh Y Khon Niê ở xã Cư Né huyện Krông Búk phấn khởi chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, gia đình mình được chọn tham gia mô hình dê sinh sản. Trong quá trình thực hiện gia đình luôn làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đến nay đàn dê phát triển rất tốt, tất cả dê giống được phối và có thai, sinh dê con khỏe mạnh. Gia đình thấy chăn nuôi dê không tốn nhiều công sức, dê ít bệnh, tận dụng nguồn thức ăn xanh có sẵn trong nương rẫy, quay vòng thu hồi vốn nhanh; đồng thời được biết nhiều kinh nghiệm, kiến thức mới để chia sẻ với bà con nông dân trong vùng cùng nhau phát triển đời sống vươn lên làm giàu.
Anh Y Khon Niê chăm sóc đàn dê của gia đình
Sau 7 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã đạt được kết quả khả quan: dê giống tốt, tỉ lệ lên giống cao, lớn nhanh, không nhiễm dịch bệnh, 100% dê giống được phối và có thai, sinh dê con. Khối lượng dê sơ sinh đạt 1,9 - 2,4 kg/con. Mô hình được lãnh đạo địa phương và rất nhiều hộ dân quan tâm; mô hình đã làm thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi của nông dân, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có tinh thần cầu thị, ý chí ham học hỏi, vươn lên làm giàu; góp phần tạo ra vùng an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường tạo ra nhiều sản phẩm dê giống, dê thịt chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống của người dân từ đó khả năng nhân rộng mô hình ngày càng cao; góp phần phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành chăn nuôi bền vững tỉnh nhà
Đại biểu thăm quan đánh giá mô hình
Có thể khẳng định, mô hình chăn nuôi dê sinh sản đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ gia đình, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Cùng đó, việc phát triển giống dê lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng sinh sản tốt sẽ giúp người dân yên tâm mở rộng mô hình chăn nuôi, tạo thương hiệu cho địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình; góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Khánh Lý