Đắk Lắk: Hội thảo sơ kết mô hình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (292)
Cập nhật lúc: 31/10/2024
Cập nhật lúc: 31/10/2024
Nhằm đánh giá kết quả triển khai mô hình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu niên vụ 2023-2024 cũng như thông qua kế hoạch thực hiện chương trình cho niên vụ 2024-2025.
Chương trình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025 được triển khai thực hiện bởi Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng gói kỹ thuật hoàn chỉnh nhằm giúp người dân trồng cà phê (trồng thuần và trồng xen) có được kiến thức thực tế, khoa học, qua đó áp dụng vào trong quá trình canh tác góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập gắn với tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Nhằm đánh giá kết quả triển khai mô hình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu niên vụ 2023-2024 cũng như thông qua kế hoạch thực hiện chương trình cho niên vụ 2024-2025.
Ngày 24 - 25 tháng 10 năm 2024, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tổ chức hội thảo sơ kết mô hình tại 2 huyện Cư M’gar, Ea Kar.
Ảnh: Đại biểu và nông dân trao đổi kiến thức
Tham dự Hội thảo có các cơ quan ban nghành như: Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Văn phòng thường trực Nam trung bộ và Tây nguyên) ,Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản; Phòng Nông nghiệp và PNTN, Trạm Khuyến nông các huyện Cư M’gar, Ea Kar; UBND các xã (xã Ea Kpam - huyện Cư M’gar và xã Cư Huê - huyện Ea Kar) và hơn 100 hộ nông dân sản xuất cà phê trên 02 địa phương thực hiện mô hình.
Theo đó, các nhà khoa học, chuyên gia, nông dân đã tham quan thực tế tại mô hình trồng thuần cà phê với quy mô 1,5 ha của hộ bà Trần Thị Long (huyện Cư M’gar) và mô hình hồ tiêu trồng xen cà phê với quy mô 0,8 ha của hộ ông Nguyễn Huy Thân (huyện Ea Kar).
Ảnh: Đại biểu tham quan mô hình
Sau gần 1 năm chăm sóc thực hiện theo quy trình kỹ thuật Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng giải pháp phân bón theo 2 công thức NPK Đầu Trâu + HC-DR-TC+ Biospring và NPK Đầu trâu HC-DR-TC mang thương hiệu Bình Điền, bước đầu mô hình đã có kết quả khả quan, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh dày bóng, tỷ lệ rụng quả giảm, số đốt dự trữ tăng. Năng suất dự kiến tăng hơn 200kg nhân/ha với vườn đối chứng sản xuất theo canh tác của nông dân.
Ảnh: Bà con nông dân nêu lên những thắc mắc trong quá trình chăm sóc cây cà phê
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành đã trao đổi trực tiếp và giải đáp thắc mắc về một số vấn đề mà người nông dân gặp phải đối với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, các biện pháp kỹ thuật mới đồng bộ nhằm thay đổi một số tập quán canh tác cũ để nâng cao năng suất chất lượng cà phê và một số loại cây khác trên vườn, tăng thu nhập cho bà con nông dân
Ảnh: Lãnh đạo TTKN, GCTVN&TS trao đổi
Theo TS. Phạm Anh Cường, Trưởng phòng Nghiên cứu- Phát triển sản phẩm, Công ty Bình Điền, thành viên ban cố vấn chương trình trao đổi: Xác định Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước (chiếm 92% diện tích), đóng góp lớn cho xuất khẩu. Các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên được nông dân đầu tư cao, như bón quá nhiều phân bón khoáng, phun xịt quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, lãng phí lớn nguồn tài nguyên nước tưới; cây trồng xen đa dạng mà chưa có mô hình hiệu quả cao; quản lý giống lỏng lẻo; cùng với những tác động khách quan như nắng nóng kéo dài hoặc ngay trong mùa mưa cũng có khi nắng nóng kéo dài, mưa lại bất thường; giá vật tư nông nghiệp không ổn định, khó cho tính toán đầu tư của nông dân; hiện tượng xói mòn làm mất độ phì nhiêu của đất, trong khi nông dân đầu tư không cân đối giữa phân bón khoáng và phân bón hữu cơ, gần như không bón phân hữu cơ, làm cho đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, nổi bật nhất là suy thoái hữu cơ, suy giảm độ no bazơ, hệ sinh học đất (động vật và vi sinh vật có ích) bị ảnh hưởng lớn.
Kỹ thuật canh tác cà phê truyền thống, cộng với tác động của biến đổi khí hậu đã, đang ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê tại Tây Nguyên. Vì vậy việc tổ chức Chương trình Canh tác Cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay./.
Hoàng Thái Bảo