Đắk Lắk: Giống sắn HN5 – Triển vọng chuyển giao giống sắn mới an toàn dịch bệnh
Cập nhật lúc: 18/12/2023
Cập nhật lúc: 18/12/2023
Thực hiện chương trình Khuyến nông năm 2023 đã được ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản tỉnh Đắk Lắk với Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar. Ngày 11/12/2023, Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar phối hợp với Trung tâm khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk tổ chức sơ kết mô hình sản xuất thâm canh Sắn an toàn dịch bệnh - Giống HN5.
Sơ kết nhằm đánh giá kết quả và khả năng nhân rộng mô hình được triển khai tại xã Cư Prông, huyện Ea Kar với quy mô 1,0 hecta, có 02 hộ tham gia đều là những hộ dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ 70% về giống, vật tư phân bón cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.
Cán bộ trạm KN huyện Ea Kar hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn
Tại buổi sơ kết, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện của mô hình: Mô hình sản xuất thâm canh Sắn an toàn dịch bệnh - giống HN5 phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 85%, cây khỏe, không bị đỗ ngã, cây cao 2,1-2,7m, số củ/cây đạt 10-13, củ đang giai đoạn tích lũy bột, khả năng kháng một số bệnh cao, đặc biệt bệnh khảm lá; mô hình được nông dân, chính quyền đánh giá cao, góp phần trong việc cung cấp giống sạch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho nông hộ trong vùng trồng sắn tại địa phương.
Để góp phần ổn định vùng nguyên liệu, ngoài các giải pháp canh tác bền vững chống xói mòn, rửa trôi, việc thâm canh và bón phân đúng kỹ thuật, phát huy tốt sự liên kết giữa người trồng sắn và Nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn tỉnh là một giải pháp quan trọng để cải tạo bộ giống sắn cao sản hiện nay bằng các giống mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, có khả năng thích nghi tốt, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Hộ gia đình anh Nông Công Nam chia sẻ, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản và Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar, chính quyền địa phương, gia đình tham gia mô hình với quy mô 0.5 ha, được hỗ trợ 70% về giống, vật tư phân bón cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật mới trong quá trình trồng và chăm sóc như: kỹ thuật xử lý hom giống, lên luống, kỹ thuật trồng đứng,.. tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, vườn cây của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, lá xanh đậm, tia củ đâm ra nhiều hơn so với các giống đang trồng phổ biến không thấy xuất hiện bệnh khảm lá trên cây, đó là tín hiệu đáng mừng cho các hộ tham gia mô hình.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm kết hợp với Trạm Kn tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá mô hình
Bước đầu thành công của mô hình sẽ là động lực giúp địa phương thúc đẩy, tổ chức mở rộng sản xuất thâm canh giống sắn mới được xem là giải pháp hiệu quả, thay thế các giống sắn cũ đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm nhiều sâu bệnh, chuyển giao giống mới sẽ giúp nông dân mở rộng trồng trên nhiều chân đất, tiểu vùng khí hậu khác nhau, mang lại hiệu quả đáng kể về môi trường và xã hội, đó là góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi, bảo vệ tài nguyên đất, góp phần tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Thông qua mô hình này, nông dân có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích góp phần vào phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững tỉnh nhà.
Khánh Lý