Cung cấp dinh dưỡng cho lúa vụ Hè Thu vừa tiết kiệm vừa hiệu quả
Cập nhật lúc: 20/08/2021
Cập nhật lúc: 20/08/2021
Nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn đã thường xuyên tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thâm canh chăm sóc lúa, tuy nhiên thực trạng bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát sinh vẫn diễn ra rải rác trên các cánh đồng tại tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng trong vụ Hè Thu này. Với tình hình dịch bệnh Covid - 19 dai dẵng, đời sống của nhân dân khó khăn, cộng với giá cả vật tư ngày càng cao, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa thông qua bón phân vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả là hết sức cần thiết.
Đối với cây lúa, sau yếu tố về giống, thì việc cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa qua các thời kỳ sinh trưởng, phát triển là hết sức quan trọng, quyết định mật thiết đến hiệu quả kinh tế. Năng suất lúa được cấu thành từ các yếu tố như số lượng bông lúa trên đơn vị diện tích, cùng với số hạt lúa trên bông và trọng lượng của nghìn hạt lúa, mà các yếu tố này phụ thuộc vào quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây lúa. Hay nói cách khác, việc bón phân đúng và đủ sẽ quyết định đến năng suất và chất lương sản phẩm lúa gạo. Tùy theo từng giống lúa, từng chân ruộng, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển cây lúa mà cung cấp liều lượng các nguyên tố đa lượng (đạm, lân, kali), trung lượng (Canxi, Ma nhê và Lưu huỳnh và vi lượng (Sắt, Đồng, Măng gan, Bor, Molypden) hợp lý. Nếu thiếu dinh dưỡng không khai thác tiềm năng năng suất của cây lúa, nếu thừa dinh dưỡng tạo điều kiện sâu bệnh hại phát sinh, hiệu quả kinh tế sẽ giảm.
Theo thầy Nguyễn Văn Hoan, Giảng viên trường ĐHNN Hà Nội (hiện là Học viện Nông nghiệp Hà Nội), để thu hoạch được năng suất 7,5 tấn lúa/ha lúa cao sản thì cần cung cấp 150 kg đạm, 70 kg lân và 120 kg kali (tính theo hàm lượng nguyên chất), chưa kể lượng phân chuồng bón lót. Vì thế cần bón phân vừa đủ, vừa đúng lúc cây cần để không thừa cũng không thiếu dinh dưỡng cho lúa, mới đạt hiệu quả cao.
Theo đó, đối với vụ lúa hè thu tại Đắk Lắk, để cây lúa phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao, người sản xuất cần xác định đúng loại phân và lượng phân để bón tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây:
1. Cung cấp nguồn phân hữu cơ (phân chuồng): Bón lót toàn bộ khoảng 10 tấn/ha để tăng độ phì và làm xốp đất trên ruộng, giữ phân hoá học để cung cấp dần cho cây, giúp bộ rễ phát triển tốt.
2. Cung cấp hàm lượng đạm, lân và ka li: Căn cứ vào thời gian sinh trưởng và đặc điểm sinh học của từng loại giống lúa để cung cập theo nhu cầu cần thiết. Đối với một số giống lúa đã được các cơ quan chuyên môn khảo nghiệm, thí điểm đánh giá sự thích nghi tại Đắk Lắk, thường đã có hướng dẫn quy trình phân bón kèm theo như giống TBR45, TBR225, TBR97, ST24, Hương Châu 6, Đài Thơm 8, VNR 20, Thơm RVT…Còn đối với những giống lúa chưa biết quy trình phân bón, người sản xuất phải nắm được thời gian sinh trưởng từng giống ở vụ hè thu, để tính toán việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cây lúa.
Ảnh: Ruộng lúa được bón phân hợp lý
a. Phân đạm: lượng phân đạm bón thúc khi lúa bén rễ hồi xanh, giai đoạn mạ và đẻ nhánh, thường bổ sung 2 đợt chừng 70% tổng lượng đạm cho cây lúa, đủ để sinh trưởng tốt, tích lũy dinh dưỡng tạo số dãnh hữu hiệu tối đa, bón thúc 20% trong thời kỳ làm đòng hình thành số hạt chất lượng, và số còn lại bón trong thời kỳ trổ cho hạt mẩy đều. Thiếu đạm làm cho lúa trở nên vàng đến xanh nhạt, cây lùn lại và thẳng đứng kém nở bụi, mau già cỗi, lá hẹp và vàng rụi, ít chồi, bông ngắn. Nhưng nếu thừa đạm cây ra nhiều lá, lúa lốp làm cho cây lúa dễ đổ ngã, kéo dài thời gian sinh trưởng, trổ chậm, nhiều cỏ dại và nhiễm sâu bệnh, dẫn đến giảm năng suất lúa chất lượng lúa. Bón đạm cho lúa trồng trên đất thịt thường 3 lần/vụ, nhưng trên đất nhẹ, đất bạc màu phải bón 4-5 lần/vụ thì hiệu quả mới cao. Phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời triệu chứng thiếu hoặc thừa đạm để xử lý. Như thời kỳ lúa trổ nếu thấy lúa xấu cần bổ sung thêm đạm để tăng số hạt chắc và giúp cho hạt mẩy đều, nếu thấy lúa tốt, nên ngưng bón đạm sau khi trổ để tránh lãng phí đạm và hạn chế sâu bệnh phát triển.
b. Phân lân: bón lót toàn bộ phân lân cho lúa cùng lúc với phân chuồng hữu cơ trong đợt làm đất cuối cùng, giúp cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh và cải tạo chất phèn. Khi bộ rễ phát triển, hút được nhiều chất dinh dưỡng để nuôi cây, tăng cường nảy chồi mạnh, giúp cây phục hồi nhanh sau khi gặp những điều kiện bất lợi. Phân lân còn thúc đẩy quá trình trổ, chín tập trung và chín sớm. Ngoài ra lân còn giúp cây hấp thụ phân đạm tốt hơn. Lá lúa thiếu lân thường có màu xanh đậm, màu vàng cam hoặc hơi tím, lá nhỏ, mọc thẳng hơn lá bình thường, năng suất chất lượng hạt giảm đáng kể, thậm chí cây có thể chết. Tùy theo chân ruộng để bón các loại phân lân cho phù hợp. Phân lân DAP có hiệu lực nhanh nhưng lưu tồn rất thấp. Phân lân nung chảy hay phân apatit hiệu lực chậm nhưng lưu tồn có thể kéo dài tới 2-3 vụ. Khi phát hiện thiếu lân, có thể khắc phục bằng cách bón thêm các loại phân có hàm lượng lân dễ tiêu như DAP (18:46:0) hay NPK (16-16-8).
c. Phân kali: Kali có tác dụng giúp cây cứng cáp hơn, chống đổ lốp, chịu hạn và chống chịu sâu bệnh. Ngoài ra kali còn giúp cây hút các chất dinh dưỡng được tốt hơn. Kali làm tăng kích thước hạt và trọng lượng của hạt, tăng phẩm chất gạo. Ngoài hai giai đoạn mạ và đẻ nhánh (bón 50 - 55% kali), lúa cần kali nhất khi phân hóa hoa, nên trước khi trổ 18 - 20 ngày cần phải cung cấp kịp thời kali cho hoa lúa lớn nhanh và hoàn chỉnh, để hình thành số hạt chắc sau này. Thời kỳ xung yếu này nên bón từ 45 - 50% so với tổng số kali của vụ. Đối với lúa cao sản, sau khi trổ vẫn còn hút kali, vì thế có thể bổ sung kali qua lá sau khi lúa trổ đều. Thiếu kali làm lá khô dần từ đọt vào, cây sinh trưởng còi cọc, hạn chế nảy chồi, cây lùn, lá xòe và lá có màu xanh đậm. Những lá phía dưới vàng mép, bắt đầu từ đọt vào và khô dần, sau đó chuyển sang màu nâu nhạt. Đôi khi xuất hiện nhiều đốm nâu trên các lá, bông dài ốm yếu và hạt lúa sẽ nhỏ hơn bình thường.
Ngoài ra, bên cạnh việc bón phân thì vấn đề điều tiết nước cho lúa cũng hết sức quan trọng. Ngay sau khi bón phân cần giữ mực nước ruộng 2-3 cm, không cho nước ra vô ruộng trong thời gian ít nhất 3 ngày. Không bón phân khi lá lúa còn ướt, hạt phân dính trên lá có thể gây cháy lá. Cần làm sạch cỏ trước khi bón phân, vì cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với lúa vào tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Chọn giống lúa tốt và quan tâm mật độ gieo sạ của từng loại giống lúa để cây lúa đủ ánh sáng và dinh dưỡng sinh trưởng, phát triển tốt. Phải thăm đồng thường xuyên để phát hiện các triệu chứng trên cây lúa (nếu có) và có biện pháp tác động kịp thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.
Cẩm Lai – Trạm KN TP.BMT