Quản lý tổng hợp sâu bệnh hại trên hồ tiêu
Cập nhật lúc: 23/01/2015
Cập nhật lúc: 23/01/2015
Để quản lý sâu bệnh hại trong vườn tiêu có hiệu quả cần tuân theo các nguyên tắc sau:
1/Kiểm tra thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời: Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện và xác định các loại sâu bệnh hại ở giai đoạn mới phát triển. Khi thấy các bộ phận của cây tiêu bị bệnh phải tiến hành chữa trị và chuyển các bộ phận bị sâu bệnh nặng ra khỏi ruộng và đốt để hạn chế lây lan.
2/Biện pháp phòng ngừa sự nhiễm sâu bệnh: Biện pháp phòng ngừa bệnh phải được thực hiện cho các cây tiêu khỏe xung quanh những cây tiêu đã bị nhiễm các loại bệnh như: bệnh virut, bệnh héo chết nhanh, bệnh vàng lá chết chậm. Các dụng cụ đã dùng để cắt bỏ và chuyển các bộ phận bị bệnh của cây tiêu ra khỏi đồng ruộng nên được làm sạch hay khử trùng trước khi dùng lại trên cây tiêu khác, trên vườn tiêu khác. Hạn chế sự di chuyển của người làm vườn từ các vườn tiêu bệnh đến vườn không bệnh. Hệ thống thoát nước phải được thiết lập để có thể tránh được sự lây lan của nấm bệnh qua dòng nước.
3/ Dùng giống kháng, giống sạch bệnh: Để phòng ngừa bệnh hại cần lấy các vật liệu giống (dây thân, dây lươn) tại các vườn không bị nhiễm bệnh.
4/ Các thực hành nông nghiệp để kiểm soát sâu bệnh hại tiêu: Vệ sinh đồng ruộng (thu dọn các bộ phận bị sâu bệnh , các tàn dư thực vật của cây tiêu). Rong tỉa cây che bóng thường xuyên trong mùa mưa để tạo độ thông thoáng và ánh sáng đầy đủ cho vườn tiêu. Hạn chế xới xáo làm cỏ. Nhổ cỏ gốc bằng tay, trồng cây che phủ đất giữa các hàng tiêu bằng các loại cây họ đậu cần chú ý không để thảm che phủ phát triển quá tốt đến sát gốc tiêu. Không trồng xen trong vườn tiêu những cây là trung gian gây bệnh cho tiêu như cà, ớt, bầu bí, khoai môn, gừng, nghệ....Tưới và tiêu nước hợp lý trong vườn tiêu, không làm bồn sâu đào rãnh thoát nước không để vườn tiêu bị úng nước trong mùa mưa.
5/ Biện pháp sinh học: Duy trì một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật có ích trong vườn tiêu hạn chế sự gây hại các loài sâu bệnh bằng cách: tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân khoáng cân đối và hợp lý, hạn chế sử dụng hóa chất nông nghiệp. Thường xuyên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh như Trichoderma spp.... Sử dụng các chế phẩm chiết xuất từ cây trồng hoặc các chế phẩm sinh học và các tác nhân sinh học phòng trừ sâu hại.
6/ Biện pháp hóa học: Biện pháp hóa học được dùng như là biện pháp cuối cùng trong việc phòng trừ sâu bệnh hại tiêu. Hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Khi sử dụng phải tuân theo các qui định an toàn cho người lao động và các qui định an toàn thực phẩm. Hải Đăng (Nguồn: TTKN-KNQG)