CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH
Cập nhật lúc: 25/09/2020
Cập nhật lúc: 25/09/2020
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giá cả thị trường thịt heo đang tăng cao nên bà con chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh như dịch tả lợn châu phi, cúm gia cầm… xảy ra trên đàn gia súc gia cầm đang có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Qua đó, kiên quyết áp dụng thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp hữu hiệu để giúp bà con đẩy lùi dịch bệnh và chăn nuôi có hiệu quả.
Tuân thủ ba nguyên tắc an toàn sinh học
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững và tạo ra sản phẩm chất lượng, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo bà con cần tuân thủ 3 nguyên tắc trong chăn nuôi an toàn sinh học như sau:
Nguyên tắc 1: Cách ly và kiểm soát ra vào. Kiểm soát chặt chẽ con người và các loại động vật khác ra vào khu vực chăn nuôi. Đây chính là bước quan trọng và hữu hiệu nhất nhằm ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh. Vì vậy, cần tạo ra khoảng cách cần thiết và kiểm soát các yếu tố (vật nuôi ốm, chết, mang trùng, con người, thức ăn nước uống, chất thải chăn nuôi, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị chăn nuôi, động vật khác...) để giữ cho vật nuôi và trại chăn nuôi không bị lây nhiễm. Không nuôi chung các loại vật nuôi, đảm bảo nguyên tắc “cùng vào – cùng ra”. Sau khi xuất bán mỗi lứa nuôi cần làm tổng vệ sinh làm sạch, khử trùng toàn bộ, khu vực xung quanh và trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi. Để trống chuồng ít nhất 2 tuần. Con giống mới nhập về phải được nuôi cách ly ít nhất 2 tuần và theo dõi.
Nguyên tắc 2: Giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Hàng ngày, bà con cần loại bỏ bụi bẩn và các chất hữu cơ khỏi bề mặt chuồng nuôi, dụng cụ trang thiết bị chăn nuôi, thu gom chất thải chăn nuôi để vào đúng nơi quy định.... Người chăn nuôi và phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi ra vào trại.
Nguyên tắc 3: Khử trùng khu vực chăn nuôi, con người, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi... Việc khử trùng nhằm tiêu diệt những mầm bệnh còn sót lại sau khi vệ sinh. Chất khử trùng phải sử dụng đúng nồng độ, liều lượng, đảm bảo thời gian tiếp xúc ít nhất 10 phút với bề mặt. Chỉ sử dụng các chất khử trùng được khuyến cáo đảm bảo an toàn cho con người và vật nuôi.
Các giải pháp thực hiện
Chăn nuôi an toàn sinh học là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái. Một số giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học như sau:
1. Về chuồng trại: Địa điểm xây dựng chuồng trại cần cách xa trường học, bệnh viện, các khu vực khăn nuôi khác, khu sinh hoạt của con người, khu xử lý chất thải, khu giết mổ gia súc gia cầm… Chuồng nuôi xây dựng phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, bố trí chuồng nuôi hợp lý để dễ thực hiện các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh; Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim, ruồi, muỗi… Tại lối ra vào trại chăn nuôi, chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi… Kho chứa thức ăn, thuốc thú y phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, dễ vệ sinh sát trùng.
2. Về con giống: Con giống khỏe mạnh được mua từ cơ sở giống an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ theo đúng quy định và phải được nuôi cách ly ít nhất 2 tuần.
3. Về thức ăn, nước uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với từng loại vật nuôi. Không cho vật nuôi sử dụng thức ăn dư thừa. Thức ăn không chứa các chất cấm, chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.
4. Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Các hộ chăn nuôi cần có quy trình chăm sóc nuôi dưỡng phù hợp theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển, đảm bảo mật độ nuôi, cung cấp thức ăn và nước uống đầy đủ cho vật nuôi. Sử dụng một số chế phẩm sinh học phối trộn vào thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa và sức đề kháng của vật nuôi. Áp dụng phương thức “cùng vào - cùng ra” theo thứ tự dãy chuồng, ô chuồng.
Thực hiện chăn nuôi “cùng vào cùng ra”
5. Về vệ sinh thú y: Thường xuyên bổ sung hoặc thay hàng ngày chất sát trùng ở hố sát trùng ra vào khu vực chăn nuôi. Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại; không đi từ nơi bẩn đến nơi sạch để tránh lây nhiễm chéo.
Định kỳ phun sát trùng khu vực chăn nuôi, chuồng nuôi phun 2 lần/tuần, khu vực xung quanh chuồng nuôi 1 lần/tuần. Định kỳ phát quang bụi rậm, diệt côn trùng, chuột trong khu vực chăn nuôi. Không vận chuyển vật nuôi, thức ăn, chất thải chăn nuôi trên cùng một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện trước và sau khi vận chuyển. Vệ sinh máng ăn máng uống hàng ngày.
Phun sát trùng định kỳ khu vực chăn nuôi
Thực hiện đầy đủ về tiêm phòng các loại vaccin phòng các bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi theo quy định. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa vật nuôi mới đến. Trong trường hợp có dịch phải tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định về chống dịch. Không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ vật nuôi bị bệnh, bị chết và không vứt xác vật nuôi chết ra môi trường. Nếu trang trại đã từng xảy ra dịch bệnh đặc biệt là Dịch tả lợn châu phi khi tái đàn bà con nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
6. Xử lý chất thải và bảo vệ môi trường: Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt hoặc hóa chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp để nước thải sau khi xử lý thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn không gây ô nhiễm.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 8/9/2020: - Dịch Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột: Tổng số gia cầm mắc bệnh 6.272 con; tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy 6.272 con. - Dịch Lở mồm long móng (LMLM) gia súc trên địa bàn huyện Buôn Đôn: Tổng số gia súc mắc bệnh là 74 con, trong đó (63 con bò và 11 con trâu) không có gia súc chết buộc tiêu hủy. Đã có 55 gia súc khỏi bệnh về mặt triệu chứng. - Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh đã xảy ra tại 37 hộ, 31 thôn/buôn, 28 xã/phường, 13/15 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh trên địa bàn tỉnh là 825 con, số lợn chết và tiêu hủy 825 con. Tổng số khối lượng tiêu hủy 34.898 kg. |
Cao Phúc