CANH TÁC NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Cập nhật lúc: 29/03/2021
Cập nhật lúc: 29/03/2021
Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Đó chính là mục tiêu tổng quát theo Quyết định 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 6 năm 2020 về đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030.
NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ LÀ GÌ?
Là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.
Trong chăn nuôi hữu cơ, động vật được nuôi dùng để làm thực phẩm và làm giống, không bao gồm động vật hoang dã và động vật thủy sinh. Thuốc thú y được sử dụng là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vaccin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật để phòng chữa bệnh, chẩn đoán, điều chỉnh, phục hồi chức năng.
Canh tác hữu cơ không có nghĩa là sử dụng phương pháp lỗi thời. Nhiều trong số các hệ thống canh tác truyền thống không gây mất mùa trong nhiều năm nhưng sản lượng thấp. Không phó mặc cho thiên nhiên mà sử dụng sản phẩm sẵn có để "làm việc với thiên nhiên". Để trở thành một nông dân hữu cơ thành công, người nông dân không được coi tất cả các côn trùng là sâu, tất cả thực vật ngoài khu vực canh tác là cỏ và giải pháp cho mọi vấn đề là phun hóa chất. Nông dân hữu cơ phải tạo được sự cân bằng giữa tự nhiên và canh tác, nơi thực vật và động vật sống và tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, nền nông nghiệp thâm canh hiện đại đã đặt ra nhiều vấn đề thách thức như: Đất trồng trở nên cằn cỗi, hàng năm lại cần nhiều phân bón hóa học hơn để trồng khối lượng cây trồng không đổi. Sâu bệnh ngày càng trở nên khó kiểm soát. Bị ô nhiễm bởi chất hóa học, màu bị rửa trôi khỏi đất. Động vật nuôi trong điều kiện không tự nhiên gặp vấn đề nguy hại về sức khỏe
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải có phương pháp canh tác hợp lý, phù hợp với sinh thái tự nhiên. Không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón, chất bảo quản, sinh vật biến đổi gen, hóc môn, chất tăng trưởng. Đảm bảo hệ thống sản xuất bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, người nông dân cần thực hiện tuân thủ 4 nguyên tắc: SỨC KHỎE, SINH THÁI, CÔNG BẰNG, QUAN TÂM.
Canh tác hợp lý phù hợp với sinh thái tự nhiên
Nguyên tắc SỨC KHỎE: chính là cần đảm bảo và tăng cường sức khoẻ của đất, của cây trồng, động vật, con người và cả hành tinh như một thể thống nhất không thể tách rời. Đất "khoẻ" tạo ra cây trồng khỏe, để nuôi dưỡng sức khoẻ của vật nuôi và con người.
Nguyên tắc SINH THÁI: Nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên. Các thành phần trong hệ sinh thái làm việc cùng nhau, cạnh tranh nhau và cùng nhau duy trì cuộc sống. Để cân bằng sinh thái cần phải thiết kế các hệ thống trang trại, thiết lập môi trường sống cho các sinh vật và duy trì tính đa dạng sinh học.
Nguyên tắc CÔNG BẰNG: Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng mối quan tâm đến môi trường chung và cơ hội sống cho tất cả các sinh vật. Công bằng trong cách sử dụng và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo tính sinh thái, tính xã hội, sự tin tưởng đối với các thế hệ tương lai.
Nguyên tắc QUAN TÂM: Người làm nông nghiệp hữu cơ có thể cố gắng tìm cách tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, nhưng không được gây ra các nguy cơ có hại cho sức khoẻ và đời sống muôn loài. Nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Đối với chăn nuôi hữu cơ cần thực hiện tuân thủ nguyên tắc chung của sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các nguyên tắc cụ thể như sau: Duy trì và tăng cường độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và độ tơi xốp của đất, chống xói mòn đất. Giảm thiểu việc sử dụng các tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp. Tái chế chất thải và phụ phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật làm nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi.
Đảm bảo quyền động vật theo từng loài vật nuôi
Phát triển chăn nuôi hữu cơ cần phải tính đến cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất. Duy trì sức khỏe cho động vật bằng cách khuyến khích bảo vệ miễn dịch tự nhiên của động vật, lựa chọn giống vật nuôi và phương thức chăn nuôi thích hợp. Sử dụng phương thức chăn nuôi phù hợp với khu vực chăn nuôi. Đảm bảo quyền động vật theo các nhu cầu cụ thể của từng loài vật nuôi. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm từ động vật được nuôi hữu cơ ngay từ khi mới sinh và trong toàn bộ quãng thời gian sống. Lựa chọn giống vật nuôi theo khả năng thích ứng với điều kiện địa phương, sức sống và sức đề kháng của vật nuôi.
Bà con chủ động thức ăn xanh cho gia súc
Sử dụng thức ăn chăn nuôi hữu cơ chứa các thành phần thu được từ canh tác hữu cơ, trong trường hợp sử dụng các thành phần không có nguồn gốc nông nghiệp thì các thành phần này phải có nguồn gốc thiên nhiên. Áp dụng các biện pháp chăn nuôi, tăng cường hệ miễn dịch và phòng vệ tự nhiên chống lại bệnh tật, vận động thường xuyên, tiếp xúc với thiên nhiên.
Nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hướng đến sự thận trọng và có trách nhiệm xem là chìa khóa trong quản lý khi lựa chọn các tiến bộ khoa học kỹ thuật hợp lý để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Canh tác hữu cơ đang là hướng đi tương lai cho nền nông nghiệp, trong sản xuất cần tuân thủ các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ, duy trì môi trường tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, không gây ô nhiễm môi trường để phát triển nông nghiệp bền vững./.
Cao Phúc