Xã Phú Xuân huyện Krông năng, nuôi hươu lấy nhung, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc: 23/05/2016
Cập nhật lúc: 23/05/2016
Xã Phú Xuân là xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Krông Năng, kinh tế của xã chủ yếu là kinh tế nông nghiệp với đa dạng các loại cây trồng: cà phê; hồ tiêu; điều và cây lương thực trong đó cây cà phê là cây chủ lực. Trong những năm gần đây, ngoài tập trung vào các đối tượng chủ lực của đia phương, con hươu đã được bà con trong xã lựa chọn như là một đối tượng có tiềm năng kinh tế mới.
Xã Phú Xuân là xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Krông Năng, kinh tế của xã chủ yếu là kinh tế nông nghiệp với đa dạng các loại cây trồng: cà phê; hồ tiêu; điều và cây lương thực trong đó cây cà phê là cây chủ lực. Trong những năm gần đây, ngoài tập trung vào các đối tượng chủ lực của đia phương, con hươu đã được bà con trong xã lựa chọn như là một đối tượng có tiềm năng kinh tế mới.
Phong trào nuôi hươu sao lấy nhung được xuất phát từ tập quán chăn nuôi của bà con quê gốc Nghệ An, Hà tĩnh. Sau khi di cư vào sinh sống tại đây đã mang theo tập quán chăn nuôi quen thuộc vào vùng đất này .
Năm 2015, từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp huyện Krông Năng đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình và cho đến nay toàn xã đã có gần 100 con hươu. Người nổi bật trong phong trào này là ông Bùi Duy Hòe, ở thôn 5, xã Phú Xuân đã chia sẻ: “Trước đây gia đình chỉ trồng cà phê, thấy nguồn thức ăn tự nhiên tại địa phương nhiều nhưng bị bỏ phí, hằng năm phải mất công sức diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường nên năm 2009, trong một chuyến về thăm quê Nghệ An ông đã mua cặp hươu sao với giá 25 triệu đồng về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên từ một cặp giống đến nay gia đình đã có 7 con, trong đó có 1 hươu cái, mỗi năm sinh 1 lần, còn 7 con hươu đực mỗi năm, mỗi con cho ra 1,5 cặp nhung, thu về gần 300 triệu đồng.
Hươu là loài động vật có thể chăn thả tự do, bán chăn thả hay nuôi nhốt. Tuy nhiên nuôi nhốt thì sẽ hạn chế được yếu tố thời tiết, dễ chăm sóc và theo dõi tốt hơn. Việc đầu tư chuồng trại để nuôi hươu không tốn nhiều diện tích đất và vật liệu xây dựng, Chi phí thức ăn cũng ít tốn kém bởi hươu là động vật ăn cỏ gồm các loại lá chuối, xoan, mít, các loại rau củ,… Đặc biệt có thể sử dụng các cây đậu, ngô phơi khô, những phế phẩm nông nghiệp sẵn có để làm thức ăn dự trữ cho hươu trong mùa đông. Ông Hòe cho biết thêm: “Vào mùa đông cần chăm sóc hươu cẩn thận, che kín chuồng trại, giữ ấm, bảo đảm dinh dưỡng, riêng những ngày hươu cho lộc, hươu mẹ mang thai, cho con bú cho ăn thêm cám bắp, gạo… thì nhung hươu sẽ mọc nhanh hơn.
Phong trào nuôi hươu đang được bà con nông dân trong xã Phú Xuân tích cực hưởng ứng và chính quyền địa phương ủng hộ chủ trương. Tuy nhiên còn một số hộ gia đình muốn tiếp cận với đối tượng nuôi mới này nhưng còn gặp khó khăn về yếu tố kỹ thuật, chăm sóc và đặc biệt là vốn đầu tư ban đầu, nên cần có sự quan tâm hơn nữa của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương để bà con có thể tiếp cận gần hơn với mô hình và cần hơn hết sự quan tâm có đồng bộ của chính quyền địa phương để có sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện để hoạt động nuôi hươu lấy nhung trở thành một hoạt động sản xuất mang tính chất hàng hóa.
Chuồng nuôi hươu của ông Bùi Duy Hòe, thôn 5, xã Phú Xuân, Huyện Krông Năng
Có thể nói phong trào nuôi hươu sao lấy nhung thật sự là một “điểm sáng” trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời cũng mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Phú Xuân.Hoàng Liên