• Tìm chúng tôi trên

Hội nghị trực tuyến: Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022

03/03/2022 15:05:16 GMT+7

Năm 2022 dự đoán là một năm khó khăn, nhiều biến động cho phát triển ngành chăn nuôi cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng nên công tác phòng chống dịch bệnh ở động vật trên cạn cũng như thủy sản rất được coi trọng và triển khai quyết liệt. Ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022. Tham dự và đồng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng cục Thú y.

Ảnh: Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Pháy triển nông thôn phát biểu khai mạc

Trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố đã rất quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh. Kết quả trong năm 2021 cả nước đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên cạn, thủy sản tạo thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm (tăng 5,8%), 28 triệu con lợn (tăng 7,1%), đàn bò 6,5 triệu con (Bò sữa đạt 375,2 nghìn con, tăng 13,2%), đàn trâu giảm 2,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả. Về thủy sản công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh (khoảng 5.608ha) giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: tôm nuôi bị dịch bệnh là 5.030ha, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020; diện tích nuôi cá tra bị dịch bệnh là 501ha giảm 65% so với năm 2020; diện tích nuôi một số loại thủy sản khác gần 80ha và 1.358 bè, về nuôi thủy sản bị mắc một số bệnh thông thường. tổng diện tích bị thiệt hại hơn 21.190 ha giảm 54,2%  so với cùng kỳ năm 2020, nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và bị mắc một số bệnh thông thường.

Một số bệnh đã xảy ra ở động vật trên cạn trong năm 2021 như: bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu phi (DTLCP), Lỡ mồm long móng (LMLM), viêm da nổi cục (VDNC), bệnh dại, …. Còn ở thủy sản chủ yếu một số bệnh như: bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôn nước lợ; còn ở cá tra là bệnh xuất huyết, gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng và một số bệnh thiệt hại trên các loại thủy sản khác Ếch bệnh chướng hơi, đường ruột, cua biển nuôi tại Cà mau bị chết gầy yếu do bị nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ với cường độ cao.

Tại Hội nghị trực tuyến có 14 ý kiến tham luận, trong đó có bài tham luận của bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Bài tham luận đã đưa ra một số kiến nghị về việc nhân rộng một số dự án đã triển khai về sản xuất một số giống gia cầm, xây dựng một số cơ sở an toàn dịch bệnh, các tiêu chí xuất khẩu giống trong thời gian tới đặc biệt là lan tỏa những nội dung này trong hệ thống Khuyến nông. Kiến nghị với Cục chăn nuôi về việc phát triển kinh tế tuần hoàn và quản lý môi trường chăn nuôi sau khi sửa đổi Nghị định 13 của Luật chăn nuôi và đặc biệt là việc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt 32 định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực khuyến nông chăn nuôi.

Ảnh: Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tham luận tại Hội nghị

Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng chủ trì cùng Đ/c Vũ Đức Côn UVBTV Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, công tác phòng dịch luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian qua, cùng với tình hình chung của cả nước, ngành chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19; dịch bệnh trên đàn vật nuôi... Các loại vật nuôi khác được duy trì tương đối ổn định, Số lượng đàn trâu, bò có xu hướng giảm. Ước tính số lượng đàn vật nuôi toàn tỉnh đầu năm 2022 cụ thể như sau: đàn trâu 33.000 con (giảm 6.650 con so với đầu năm 2021); đàn bò 260.000 con (giảm 7.000 con so với đầu năm 2021); đàn lợn 860.000 con (tăng 10.000 con so với đầu năm 2021); đàn gia cầm 12.800.000 con (duy trì ổn định so với đầu năm 2021); đàn ong mật 230.000 đàn (giảm 5.000 đàn so với đầu năm 2021). Sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2021 khoảng 226.000 tấn (đạt 100,3% so với kế hoạch năm 2021, tăng 6.000 tấn so với năm 2020); Sản lượng trứng các loại khoảng 327 triệu quả (đạt 100,6% so với kế hoạch năm 2021, tăng 27 triệu quả so với năm 2020). Theo kết quả kê khai hoạt động chăn nuôi tại các địa phương cuối năm 2021, toàn tỉnh có 65 trang trại quy mô lớn, 690 trang trại quy mô vừa, trên 2.600 trang trại quy mô nhỏ và khoảng 109.000 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Nhìn chung, sản xuất chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua được phát triển ổn định theo hướng ngày một nâng cao về năng suất và chất lượng, các sản phẩm chăn nuôi chính bảo đảm được nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và xuất đi các tỉnh khác.

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhất là bệnh DTLCP và bệnh VDNC trên trâu bò xảy ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và kinh phí chống dịch của nhà nước. Đến nay bệnh VDNC trên trâu, bò cũng đã được khống chế, ngày 25/01/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố hết dịch (Quyết định số 224/UBND-NN&MT). Bên cạnh đó bệnh DTLCP vẫn còn 5 xã, phường, thị trấn thuộc 3/15 huyện, thị xã, thành phố dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Một số loại dịch bệnh khác xảy ra nhỏ lẽ như bệnh LMLM trâu, bò; LMLM ở lợn; Cúm gia cầm A/H5N6 cơ bản đã được kiểm soát.

Đối với thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 13.050 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 25.500 tấn, giá trị tổng sản phẩm thủy sản đạt 850,17 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), đạt 1.147,5 tỷ đồng (theo giá hiện hành) tăng 4,32% so với năm 2020 đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong nước. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 hợp tác xã và 01 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; có 02 chuỗi liên kết sản xuất, gồm chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giống thủy sản, chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cá rô phi đơn tính theo tiêu chuẩn VietGAP; có 07 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích được chứng nhận là 11,55 ha và 25.724 m3, tổng sản lượng dự kiến đạt 954,8 tấn/năm.

 Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ/UBND ngày 23/7/2021 UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Để phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 9576/KH-UBND ngày 04/10/2021 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, Kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.000 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 26.000 tấn; Phát triển đa dạng các loại hình nuôi trồng thủy sản như Nuôi trồng thủy sản trong ao, hồ nhỏ theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nghề cá hồ chứa, nuôi trồng thủy sản lồng bè trên hồ chứa, sông nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản, tận dụng diện tích đất ruộng trũng trồng lúa một vụ, các vùng đất ngập nước để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021.

Tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng làm công tác thú y mỏng, chính sách hỗ trợ cho mạng lưới thú y cơ sở còn nhiều hạn chế, do đó việc giám sát phát hiện bệnh và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi đang từng bước phát triển, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, tuy nhiên, hiện nay đa số vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, do đó dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Một số lượng lớn đàn chó nuôi thả rông trong các hộ có nương, rẫy, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, gia đình nuôi chó không bắt giữ được và lực lượng thú y cũng khó tiếp cận để tiêm phòng, vì vậy cũng ảnh hưởng tỷ lệ tiêm phòng vắc xin. Đắk Lắk là tỉnh khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách, do đó, việc bố trí kinh phí để triển khai công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, gặp nhiều khó khăn./.

Y SỸ - TTKN,GCT,VN&TS

 

 

TIN NỔI BẬT