• Tìm chúng tôi trên

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

22/06/2021 10:16:38 GMT+7

Đến năm 2030, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Triển khai thực hiện Chính phủ điện tử

Sáng ngày 18/6/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng với đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong nông nghiệp đến 63 tỉnh thành phố và 14 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại điểm cầu Đắk Lắk, đồng chí Nguyễn Hoài Dương - Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở nông nghiệp chủ trì hội nghị và có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các Sở ban ngành, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan – Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các chuyên đề về chuyển đổi số Quốc gia và lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Qua đó, để thực hiện chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về thể chế, môi trường pháp lý; hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống nền tảng; hệ thống cơ sở dữ liệu, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, công việc chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản...; Thực hiện triển khai Chính phủ điện tử khi ứng dụng trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn thông tin và phát triển kinh tế.

Qua đánh giá việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn rất hiệu quả khi thực hiện công việc quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các hệ thống dữ liệu thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác và nhanh nhất. Bên cạnh các hệ thống ứng dụng phức tạp, tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng ứng dụng và dữ liệu cần lưu trữ của hệ thống ứng dụng nhưng lại cần kinh phí để thực hiện kiểm tra đánh giá an toàn thông tin... Các quy trình tác nghiệp về an toàn thông tin chưa được xây dựng đầy đủ, chưa có khung đảm bảo an toàn thông tin tổng thể cho Bộ.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phát triển kinh tế: Thành lập 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 09 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, 45 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trên 3 trục sản phẩm là (1)sản phẩm chủ lực quốc gia (2) sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (3) sản phẩm là đặc sản của địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm phù hợp với lợi thế nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Nghiên cứu mô hình nông nghiệp thông minh, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý các vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhiệm vụ và giải pháp trong chuyển đổi số

Mục tiêu đến 2025, thực hiện phát triển Chính phủ số trong nông nghiệp đồng thời phát triển kinh tế số trong nông nghiệp với các mục tiêu cụ thể như hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp bảo đảm an toàn thông tin. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, ngành Nông nghiệp cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Hoàn thiện nâng cao chất lượng hạ tầng số; Xây dựng, phát triển nền tảng số; Phát triển dữ liệu; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ; Bảo đảm an toàn thông tin mạng; Phát triển nguồn nhân lực.

Đồng chí Nguyễn Hoài Dương –  Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại hội nghị, các giải pháp thực hiện việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được các đại biểu đưa ra: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Cách để thu hút nguồn lực công nghệ thông tin đồng thời thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế.

                        Cao Phúc

 

TIN NỔI BẬT