• Tìm chúng tôi trên

Vụ Đông Xuân - Cẩn trọng với bọ trĩ hại lúa

23/02/2021 08:29:51 GMT+7

Hiện nay trà lúa vụ Đông Xuân của Đăk Lăk đang vào giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Dạo quanh nhiều cánh đồng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, đan xen giữa những ruộng lúa tươi xanh là một số diện tích lúa gieo muộn đang bị bọ trĩ gây hại, cục bộ có ruộng bà con “quên” cho nước vào, tạo điều kiện bọ trĩ phát sinh mật độ cao, cứa hút hết dịch lá non cây, lụi chết nên phải gieo sạ lại, mặc dù hệ thống kênh mương đang đầy đủ nước.

Theo nghiên cứu, vòng đời của cây lúa gồm các thời kỳ, mạ, đẻ nhánh, làm đòng (tượng khối sơ khởi), trỗ và chín. Riêng thời kỳ mạ rơi vào mùa khô, thường tập trung từ tháng 01 đến tháng 02 dương lịch. Giai đoạn này biên nhiệt độ ngày và đêm cao, ban đêm nhiệt độ tương đối thấp, ban ngày trời nắng hanh và nhiều gió là điều kiện thuận lợi để bọ trĩ phát sinh và gây hại trên lúa, đặc biệt ở các ruộng khô nước bọ trĩ càng gây hại nặng hơn. Thường thì khi lúa mới gieo sạ chừng 15 đến 20 ngày, nếu bị bọ trĩ phát sinh gây hại thì đầu chóp lá non của lúa cuốn lại, ôm những con bọ trĩ ở trong chóp lá, lá lúa dựng đứng như cây tăm, bọ trĩ lây lan rất nhanh. Khi ruộng phát sinh mật độ bọ trĩ cao, lúa bị hại nhiều, cả đám ruộng có màu xanh trắng, khô dần, chóp lá lúa không còn diệp lục, lụi dần và chết. Mặt khác, sự phát sinh của bọ trĩ cứa hút, tạo vết thương trên chóp lá, là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh vàng lá, kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa nếu như sau đó lúa phục hồi được. Khi trao đổi với nhiều nông dân đang canh tác trên ruộng về tình trạng bọ trĩ hại lúa, vẫn có một số người thấy triệu chứng gây hại nhưng chưa xác định nguyên nhân do bọ trĩ cứa hút, bỡi hình dạng của con bọ trĩ rất nhỏ, con trưởng thành màu đen, lớn hơn cọng tóc một chút, thon dài từ 1 đến 2mm, nên khó nhận diện nếu không chú ý. Bọ trĩ đẻ trứng rải rác trong mô lá, bọ trĩ non mới nở màu trắng, lớn dần màu vàng không có cánh, cả hai pha (trưởng thành và con non) đều cứa hút dinh dưỡng lúa. Nhiều nông dân khi chứng kiến tận mắt cả ổ bọ trĩ trong chóp lá lúa tách ra tại ruộng, thì mới ngạc nhiên. Đến lúc cây lúa vượt qua giai đoạn mạ, lá cứng cáp, bắt đầu thời kỳ đẻ nhánh rộ về sau, bọ trĩ không còn gây hại nữa.

Để biết có sự hiện diện của bọ trĩ hại lúa hay không, chỉ cần thấm nước lòng bàn tay, quét nhẹ trên ngọn các cây lúa và quan sát kỹ lòng bàn tay sẽ thấy những con bọ trĩ rất nhỏ màu đen cùng màu vàng trắng dính ở đó. Hoặc dùng móng tay đẩy nhẹ từ giữa lá lúa lên hết chóp lá sẽ thấy nhiều con bọ trĩ dồn lại bên trên móng tay của mình. Vẫn biết bọ trĩ chỉ hại lúa ở giai đoạn mạ, cây lúa có khả năng đền bù, tuy nhiên khi ruộng lúa xuất hiện triệu chứng bị bọ trĩ gây hại, hầu hết người sản xuất đều sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ, vô tình tiêu diệt hầu hết lực lượng thiên địch có lợi trên ruộng, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, dễ gây bùng phát dịch hại về sau. Điều quan trọng nữa là, việc sử dụng thuốc hóa học sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sản xuất, ô nhiễm môi trường……

 Để phòng, trừ bọ trĩ có hiệu quả, cần tổng hợp các biện pháp để quản lý cây lúa, gọi tắt là chương trình ICM (Integrated Crop Management). Đầu tiên phải là biện pháp chọn giống lúa chất lượng tốt, có sức nảy mầm cao, sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu, đất đai và điều kiện canh tác của địa phương. Giống cho năng suất, chất lượng tốt, ổn định theo thời gian, có tính chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của ngoại cảnh… thì sẽ kháng được bọ trĩ. Tiếp đến là biện pháp kỹ thuật trong thâm canh, cần xử lý giống trong quá trình ngâm, ủ trước khi gieo; vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ ở các bờ ruộng, không còn ký chủ phụ của bọ trĩ trước khi gieo trồng. Cấy hoặc sạ lúa với mật độ vừa phải, không quá dày, giữ nước không để ruộng khô là điều kiện cho bọ trĩ phát sinh gây hại. Bón phân đầy đủ, cân đối để cây mạ khỏe, bọ trĩ khó xâm nhập. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại thiên địch của bọ trĩ trong ruộng như bọ rùa đỏ, các loại nhện, ong ký sinh …. phát triển để hạn chế sự bộc phát của bọ trĩ. Khi cần sử dụng thuốc, nên đặt trọng tâm các loại thuốc sinh học để phun, nhằm bảo vệ thiên địch, không làm bùng phát các loại sâu, rầy khác giai đoạn sau. Trong điều kiện điều tiết nước thuận lợi, cho nước vào ngập ruộng vài giờ rồi xả hết nước đi, bọ trĩ sẽ bị trôi, chết. Một trong những biện pháp quan trọng nữa là người sản xuất lúa phải thăm đồng thường xuyên để kịp thời nắm bắt và tác động đúng lúc./.

                                                                                                                     Cẩm Lai - Trạm KN TP.BMT

TIN NỔI BẬT