• Tìm chúng tôi trên

Trở thành “Vua lúa” của Đắk Lắk từ việc liên kết chuỗi giá trị thành công

14/05/2020 09:38:26 GMT+7

Thăm “Cánh đồng lúa” thuộc cơ sở 2 của HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4 do anh Lã Như Kỷ (CT Hội đồng quản trị) quản lý vào một buổi trưa tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk. Một cánh đồng lúa vàng ươm, thơm ngát mùi lúa chín hiện ra, cùng những đàn chim én đang chao lượn tìm mồi trong tiếng ríu rít vang trời. Nơi đây ít ai nghĩ rằng có một cánh đồng lúa cao sản liên vùng rộng bao la, cùng những bông lúa no đầy, đang vào mùa thu hoạch.

Anh Kỷ cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, với việc mạnh dạn đầu tư thiết kế mương máng, ao hồ dự trữ nguồn nước dẫn từ hồ Ea Suop thượng về tưới cho cánh đồng lúa sản xuất tập trung hơn 80 ha tại thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt, đã đáp ứng đủ nhu cầu nước của lúa, nên không có diện tích nào bị thiếu nước như những năm trước đây, cho dù diện tích lúa đã tăng 300% so với năm 2018. Ước sản lượng lúa cao sản các loại thu hoạch vụ đông xuân này hơn 500 tấn, trong đó lúa gạo đen thảo dược Phúc Thọ (chiếm gần 40% diện tích). Hầu hết các loại lúa cao sản đã được liên kết bao tiêu đầu ra với Công ty CP giống cây trồng Trung ương (Vinaseed). Hay nói cách khác vụ này, HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8/4  đã bội thu do được mùa và được giá. Ước doanh thu vụ lúa đông xuân 2019-2020 của riêng cánh đồng xã Ya Tờ Mốt này hơn 4,5 tỷ, trừ chi phí, lãi thuần chừng 2,5 tỷ đồng, chưa kể nhiều diện tích lúa HTX của anh đang sản xuất ở các huyện khác trong tỉnh. Có thể nói, anh Lã Như Kỷ là một chuyên gia, một “ Vua lúa” của Đăk Lăk hiện nay, vì chưa có HTX nào sở hữu diện tích lớn mà liên kết sản xuất, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra thành công như anh.

Ảnh: Cánh đồng lúa do anh Lã Như Kỷ (CT Hội đồng quản trị) quản lý

Luôn luôn với nụ cười đôn hậu anh cho biết, để sản xuất cùng lúc một diện tích lúa lớn như vậy, hầu hết các giai đoạn sản xuất anh đều ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, gia tăng giá trị nông nghiệp trên đơn vị diện tích. Anh đã cho qui hoạch cánh đồng lúa theo lô, bờ thửa hợp lý để thuận lợi cho việc tưới tiêu, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch lúa. Anh nhớ lại, nếu những năm 1996, 1997, để thu hoạch vài héc ta lúa phải cần đến vài chục nhân công, có khi cả trăm người mới đáp ứng yêu cầu công việc (lúc thời tiết không thuận lợi). Hiện nay, HTX đã sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa (vừa cắt, vừa thổi lép để đóng bao), một ngày gặt đến vài héc ta chỉ cần vài nhân công. Kể cả khâu phơi lúa cũng không như trước kia phải phơi ra sân, trở lúa cho khô đều…, bây giờ lúa sau khi thu hoạch, anh Kỷ cho sấy qua lò sấy mỗi mẽ được 15 tấn lúa sau 8 giờ, theo đó giảm được 40% kinh phí phơi lúa so với dùng thủ công. Điều qua trọng nữa là sấy ở lò lúa sạch sẽ, không bị thất thoát, hư hỏng khi thời tiết bất thường, nhất là mưa Tây nguyên bất chợt không kịp gom lúa với số lượng lớn trên sân như trước kia.

 Được biết, hiện nay diện tích sản xuất lúa trong nông dân tại Đăk Lăk rất manh mún, mỗi hộ sở hữu từ vài trăm mét vuông đến vài sào, hy hữu lắm mới có hộ sở hữu vài héc ta. Với diện tích như vậy khó ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế rất thấp, thậm chí không có lãi.

Thực tế cho thấy, việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, (đặc biệt là sản xuất lúa) là xu thế tất yếu của trong hội nhập kinh tế và phân công lao động hiện nay. Thông qua thành công mô hình sản xuất lúa theo liên kết chuỗi giá trị của anh Lã Như Kỷ là một minh chứng. Theo đó, nhà nước quan tâm hơn về chủ trương tích tụ ruộng đất ngay từ bây giờ qua hình thức liên kết hình thành HTX, THT trong phát triển sản xuất lúa gạo. Các thành viên HTX, THT cùng nhau góp đất đai, vốn liếng để tổ chức sản xuất nông nghiệp, trong đó HTX, THT thực hiện vai trò cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất, cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm do các thành viên sản xuất ra. Tóm lại, chỉ có giải pháp tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng các HTX, THT, qui hoạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất lúa, thông qua liên kết với doanh nghiệp hình thành nên chuỗi giá trị thì mới phát triển sản xuất lúa bền vững. Tuy nhiên khi sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chắc chắn sẽ dôi ra một lực lượng lao động nông thôn, vì vậy cũng phải nghĩ đến khả năng thu hút lao động ra khỏi nông nghiệp bằng những công việc ổn định khác để hạn chế những bất ổn trong nông thôn.

                                                                                                 Cẩm Lai - Trạm Khuyến nông TP.BMT

 

 

TIN NỔI BẬT