Sự thích nghi của giống lúa Đài thơm 8 vụ đông xuân trên chân ruộng trũng, nhiều mùn tại phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 16/04/2019
Cập nhật lúc: 16/04/2019
Vừa qua Công ty CP tập đoàn giống cây trồng Việt Nam ( Vina Seed Group) phối hợp với trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột, Hội nông dân phường Khánh Xuân và các đơn vị liên quan, tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình lúa Đài Thơm 8 tại ruộng của ông Trịnh Thanh Vân, TDP 10, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Tham dự hội thảo còn có hơn 60 đại biểu là những nông dân sản xuất lúa quanh vùng, nhằm đánh giá sự thích nghi của giống lúa Đài thơm 8 trên chân ruộng trũng, nhiều mùn, làm cơ sở nhân rộng, thay thế cho một số giống lúa dài ngày, mẫn cảm với sâu bệnh, ít hiệu quả mà nông dân đang sản xuất tại địa phương.
Mô hình lúa Đài thơm 8 của ông Trịnh Thanh Vân vụ đông xuân này đã biểu hiện rõ nét các đặc điểm nổi bật mà các giống lúa thuần sản xuất đại trà cùng thời vụ không có được. Đặc trưng của giống này là thời gian sinh trưởng (TGST) ngắn hơn các giống lúa thuần khác từ 10 đến 20 ngày (TGST Đài thơm 8 vụ ĐX tại Buôn Ma Thuột là 115 ngày), nên khi mô hình Đài thơm 8 đã chín đều, chuẩn bị thu hoạch thì những ruộng lúa xung quanh hiện vẫn còn xanh. Thời gian sinh trưởng của Đài thơm 8 ngắn hơn, dễ dàng cho việc điều tiết nước vào cuối vụ đông xuân (Đăk Lăk, cuối vụ đông xuân rơi vào mùa khô nên một số chân ruộng thường thiếu nước). Hạt lúa Đài thơm 8 màu vàng sáng, óng ánh dưới nắng căng tròn, độ kết hạt dày, rất ít triệu chứng sâu bệnh trên hạt. Đặc điểm mà những người làm công tác chuyên môn lâu năm thấy rõ nhất đối với giống lúa này là cặp lá công năng (hai lá ôm bông lúa) vẫn xanh đến chót lá, đồng nghĩa với việc cây lúa quang hợp đến tận ngày thu hoạch để nuôi đến hạt lúa cuối cùng ở cậy bông. Mặc dù, mô hình Đài thơm 8 của anh Vân thuộc khu vực ruộng trũng, với lớp mùn sâu qua gối khi lội, nên độ ẩm không khí mặt ruộng luôn cao, là điều kiện cho các vi sinh vật (vi khuẩn và các loại nấm) dễ phát sinh gây bệnh, tuy nhiên giống lúa Đài thơm 8 vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, thể hiện nét ưu thế về khả năng kháng bệnh của giống. Tại đầu bờ, những “lão nông tri điền” theo kinh nghiệm ước lượng năng suất tại ruộng là hơn chín tấn/ha, phù hợp với năng suất lý thuyết mà các nhà chuyên môn tính toán là 9,1tấn/ha (360 bông/m2*130hạt chắc/bông*23gr (P1000 hạt)* 85%/10.000). Trước đây có một số quan điểm cho rằng, những giống lúa có chất lượng cao, cơm ngon, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì năng suất thấp (vì giống lúa thơm ngon hay bị sâu bệnh). Giờ thì quan điểm này không còn đúng khi sản xuất giống lúa Đài thơm 8 tại Buôn Ma Thuột vừa cho năng suất cao nhưng lại có đặc điểm chất lượng cơm thơm ngon đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Ông Trịnh Thanh Vân cho biết, vụ hè thu 2018 gia đình ông gieo 4000 m2 giống Đài thơm 8, sau khi ông được mời tham gia Hội thảo cấp tỉnh (tháng 5/2018) về mô hình giống lúa Đài thơm 8 tại huyện Krông Ana, khi ấy ông Vân gieo mật độ hơi dày (20 kg giống/1000 m2), năng suất thu được chưa cao. Rút kinh nghiệm, vụ động xuân 2018-2019 ông gieo trồng mô hình Đài thơm 8 theo đúng qui trình kỹ thuật hướng dẫn, năng suất cao hơn các giống lúa đại trà xung quanh như đã đánh giá ở trên. Điều thú vị là hạt gạo Đài thơm 8, thon dài, trong, không bạc bụng, cơm dẻo, thơm nhẹ, ngon, đặc biệt để nguội vẫn dẻo mềm nên thị trường rất ưa thích.
Nếu trước kia, gieo các loại giống đại trà khác (kể cả giống dài ngày V13/2), mỗi vụ ông Vân thu hoạch bình quân (qui ra héc ta) 7 tấn/ha, tổng thu là 45,5 triệu/ha (giá lúa thịt 6.500đ/kg), trừ chi phí đầu tư còn lãi từ 20 – 25 triệu/ha. Hiện giờ, trên cùng chân ruộng, gieo giống Đài thơm 8, năng suất bình quân 9 tấn/ha, tổng thu từ 80 - 90 triệu/ha (giá lúa thịt từ 9000đ - 10.000đ/kg), trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu/ha, hiệu quả hơn các giống lúa thuần khác rất nhiều. Ngoài ra, giá trị mà ông Vân quan tâm hơn nữa là lúa Đài thơm 8 ít bị sâu bệnh gây hại nên đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ được sức khỏe gia đình trong quá trình sản xuất, tăng chất lượng lúa gạo, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và giữ cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Được biết giống Đài thơm 8 đã được đánh giá hiệu quả kinh tế ở nhiều vùng miền khác nhau, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, kể cả một số huyện của tỉnh Đăk Lăk. Tại Buôn Ma Thuột, vụ đông xuân này, giống lúa Đài thơm 8 trên chân ruộng trũng, nhiều mùn, khó thoát nước, cũng đã thể hiện tính ưu việt của nó. Thời gian tới, trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty CP tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (chi nhánh Tây Nguyên) tiếp tục triển khai trình diễn thêm một số mô hình tại những khu vực có chân ruộng không thuận lợi, để thay thế dần những giống lúa mẫn cảm sâu bệnh, kém hiệu quả để gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân.
Được biết giống Đài Thơm 8 là giống lúa trải qua bốn năm nghiên cứu và lai tạo thành công từ tổ hợp lai giữa giống mẹ là BVN và giống bố là OM 4900 (BVN/OM4900), như vậy giống lúa mới này đã mang hàm lượng khoa học- công nghệ cao với rất nhiều ưu điểm nổi trội, hướng đến sẽ giúp người sản xuất lúa của Buôn Ma Thuột nói riêng và Đăk Lăk nói chung gia tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp địa phương.
Cẩm Lai