Sơ kết thực hiện Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thuộc Dự án Khuyến nông Quốc Gia
Cập nhật lúc: 12/12/2017
Cập nhật lúc: 12/12/2017
Năm 2017, mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thuộc dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức triển khai thực hiện tại 2 huyện Ea Kar và huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk.
Công tác lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình và lưa chọn các hộ tham gia phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk và tiêu chí của Dự án. Điều đặc biệt đây là hai xã có tỷ lệ đàn bò lai còn thấp so với các địa phương khác, kinh tế khó khăn, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi còn hạn chế nên năng suất chất lượng đàn bò chưa cao
Mô hình có quy mô 145 con bò cái nền của 70 hộ tham gia mô hình tại 2 xã Ea Sar - huyện Ea Kar và xã Hòa Sơn - huyện Krông Bông, các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ của giống bò Brahman đỏ có nguồn gốc từ Mỹ và 50% thức ăn hỗn hợp để chăm sóc bò cái mang thai. Ngoài ra bà con còn được tran bị những kiến thức cần thiết về cải tạo chất lượng đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thông qua các lớp tập huấn với nội dung quy trình chăm sóc, quản lý bò, kỹ thuật phát hiện động dục, xác định thời điểm phối giống thích hợp để có tỷ lệ thụ thai cao, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ, ghi chép và quản lý số liệu về thụ tinh nhân tạo. Thông qua các lớp tập huấn này, bà con có điều kiện trao đổi, học hỏi về kỹ thuật phát hiện động dục và thụ tinh nhân tạo cho bò từ đó rút kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất
Tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình tại Ea Kar
Mục tiêu của Dự án là khi thực hiện mô hình sẽ làm tăng nhanh số lượng đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những đực giống có năng suất cao, có giá trị trên phạm vi rộng, chi phí công nghệ thụ tinh nhân tạo rẻ hơn nhiều so với sử dụng bò đực giống nhảy trực tiếp và áp dụng đến tận hộ dân ở tất cả các địa bàn kể cả vùng sâu vùng xa, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau. Đồng thời, thông qua kỹ thuật TTNT tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với đàn bò địa phương.
Bước đầu thực hiện mô hình cho thấy số bò cái nền tham gia mô hình phối giống đã có chửa nhưng chưa đẻ, tỷ lệ bò cái nền phối chửa lần 1 đạt 78,6% (tại Krông Bông)và đạt 75,7% (tại huyện Ea Kar) so với tổng số bò phối chửa
Giao cám cho các hộ tham gia mô hình tai huyện Krông Bông
Về đánh giá hiệu quả kinh tế thì hiện nay số bò cái nền tham gia mô hình đang mang thai chưa đến thời kỳ đẻ nên chưa có cơ sở để đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên hiệu quả đối với kinh tế - xã hội và môi trường bước đầu hứa hẹn Dự án sẽ tác tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi bò, tạo ra đươc thế hệ đàn bò lai có tầm vóc đẹp, sinh trưởng nhanh, cho năng suất, chất lượng thịt cao sẽ được nông dân ưa chuộng. Qua đó góp phần hình thành làng nghề chăn nuôi, giải quyết được việc làm cho phần lớn lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế việc chặt phá rừng làm nương rẫy góp phần bảo vệ được môi trường.
Dự án tác động không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng trong việc phát triển chăn nuôi bò mà còn giúp cho người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông không có quản lý, không kiểm soát được dịch bệnh chuyển sang chăn nuôi có quy mô, có quản lý và kiểm soát được các yếu tố lây lan mầm bệnh hay biết cách xây dựng chuồng nuôi theo kỹ thuật. Đồng thời, giúp bà con còn biết cách chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người chăn nuôi và cộng đồng. Đó chính là hiệu quả vê mặt xã hội và môi trường rõ nét nhất mà chúng ta có thể nhận thấy.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra, theo dõi việc thực hiện mô hình
Từ hiệu quả bước đầu mà dự án mang lại, dự án hoàn toàn có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh nhằm giúp bà con tiếp thu được những kiến thức về chăn nuôi bò theo hướng bền vững tạo tiền đề hình thành các làng nghề chăn nuôi bò ở địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng địa lý khác nhau, tiến tới hoàn thành các tiêu chí của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đồng thời, tạo ra vùng nguyên liệu bò thịt chất lượng cao làm cơ sở để hình thành nhà máy giết mổ, chế biến thịt tập trung phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh và tiến tới xuất khẩu thịt bò chất lượng cao.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chủ nhiệm dự án và hệ thống khuyến nông cơ sở, UBND các xã để tiếp tục quan tâm, theo dõi, chỉ đạo để triển khai thực hiện hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Hoàng Liên