Sơ kết dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất CAQ theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu ..." năm 2023
Cập nhật lúc: 20/11/2023
Cập nhật lúc: 20/11/2023
Ngày 10/11/2023, trong khuôn khổ dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Tây nguyên”, từ nguồn kinh phí của khuyến nông Quốc gia. Trung tâm Khuyến nông-Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã Buôn Hồ tổ chức buổi sơ kết dự án.
Theo Cục thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2022: Diện tích sầu riêng là 22.458 ha, sản lượng 187 tấn; Diện tích mít là 2.447 ha, sản lượng 35.997 tấn. Mặc dù những năm gần đây tỉnh Đắk Lắk đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cây ăn quả nhưng đa phần sản xuất vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa quan tâm nhiều đến yếu tố thị trường, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn thực phẩm nên sức cạnh tranh chưa cao, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định; chưa hình thành được vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn mẫu mã sản phẩm dẫn đến khó tìm nơi tiêu thụ, không đủ sức cạnh tranh. Chưa tạo nguyên liệu để liêu kết tiêu thụ sản phẩm. Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên” là vấn đề rất cần thiết và có ý nghĩa. Thông qua mô hình, đó là nơi học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa ra những giải pháp để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cũng như bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững.
Năm 2023 tại Đắk Lắk, với mục tiêu của dự án là: Xây dựng 30 ha sầu riêng (15 ha mô hình sầu riêng tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, 15 ha mô hình thâm canh sầu riêng theo VietGAP tại Phường Đoàn Kết – Tx. Buôn Hồ) và 10 ha mô hình thâm canh mít theo VietGAP tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng 10% trở lên, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng ≥15% so với sản xuất đại trà. Đào tạo tập huấn trong mô hình và ngoài mô hình cho người dân, nâng cao năng lực quản trị cho HTX. Mô hình được nhân rộng ≥ 20% so với quy mô dự án phê duyệt.
Toàn cảnh buổi sơ kết dự án
Tại hội nghị sơ kết, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả thực hiện của mô hình. Năng suất sầu riêng, mít đều tăng 10 % trở lên. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận VietGAP. Cây sầu riêng, mít sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cây sầu riêng đạt 18-20 tấn/ha; năng suất cây mít đạt 24 tấn/ha (đạt so với mục tiêu dự án đề ra). Qua đánh giá bước đầu cho thấy mô hình được các hộ tham gia và nhân dân trong vùng hưởng ứng bởi hiệu quả mang lại: Nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng thu nhập cho người dân; Nâng cao năng lực, vai trò của HTX liên kết với Doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất và thông qua xây dựng mô hình người dân được ứng dụng các TBKT vào vườn cây ăn quả.
Đại biểu thăm quan mô hình
Dự án thành công giúp nâng cao kiến thức kỹ thuật thâm canh cây mít, sầu riêng theo VietGAP, hạn chế sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp, tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, tạo vùng sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả tại Việt Nam. Việc đầu tư sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng quy trình sẽ giảm tác động xấu đến môi trường, tạo an toàn môi trường cho người và gia súc. Việc sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học đúng quy trình và định mức kỹ thuật sẽ giảm tác động xấu đến môi trường và tạo an toàn thực phẩm. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP; liên kết theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sẽ làm tăng thu nhập cho người sản xuất, ổn định thị trường, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả tại địa phương. Sau khi dự án kết thúc, người sản xuất cây ăn quả tại các địa phương vùng dự án có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP và phổ biến nhân rộng mô hình ra các hộ và địa phương khác. Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan tổng kết để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao được trình độ, kinh nghiệm sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, tăng tính bền vững trong sản xuất cây ăn quả. Dự án thực hiện sẽ là động lực có tính đột phá trong việc tổ chức sản suất với quy mô lớn hơn (cánh đồng mẫu), việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thâm canh cây ăn quả theo VietGAP, góp phần cải thiện năng suất và chất lượng cây ăn quả (sầu riêng, mít) Việt Nam. Đặc biệt đây là một trong những giải pháp có tính quyết định đến sản xuất cây ăn quả bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Nguyễn Chung