PHÒNG TRỪ BỆNH LÉP VÀNG DO VI KHUẨN HẠI Ở CÂY LÚA
Cập nhật lúc: 14/08/2020
Cập nhật lúc: 14/08/2020
Điều kiện thời tiết thất thường đã làm vi khuẩn hại lúa không ngừng sinh sôi, kéo theo đó là vấn đề bệnh hại cũng diễn ra ngày một phổ biến và nguy hiểm hơn.
Trong đó, lép vàng do vi khuẩn đang là một bệnh hại điển hình với tác hại rất lớn, bà con cần tìm hiểu thật kỹ về điều kiện phát sinh của bệnh để áp dụng những biện pháp phòng trừ đúng lúc và hữu hiệu.
Lúa trổ vào thời điểm mùa mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh lép vàng phát triển
Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn (Pseudomonas glumae) gây hại trên ruộng bón thừa đạm và ẩm độ không khí cao, mầm bệnh tìm thấy trong không khí, đất và nước thường gây hại nghiêm trọng trong vụ Hè Thu do mưa bão nhiều.
Bệnh gây hại lúa chủ yếu từ giai đoạn ngậm sữa đến bông lúa uốn cong, trên bông lúa có nhánh gié đứng thẳng có mang nhiều hạt lép nhưng vỏ trấu vẫn giữ màu sắc bình thường không bị lem. Bệnh gây hại sớm làm hoa lúa không thụ phấn và vỏ trấu trở nên vàng sậm, bệnh gây hại muộn tách vỏ trấu thấy hạt gạo lững, biến dạng có vết nâu nhũn nước.Theo nghiên cứu của IRRI bệnh này gây hại nghiêm trọng làm giảm năng suất lúa trên 50% (Kaku, Zeigled và Alvarez-1988).
Bệnh lép vàng vi khuẩn là một loại dịch hại nguy hiểm trong canh tác lúa. Do đó, cần chủ động đối phó với bệnh bằng việc áp dụng các biện pháp tổng hợp, tránh để bệnh có điều kiện gây hại nặng. Trước hết, là sau khi kết thúc mùa vụ bà con phải vệ sinh đồng ruộng thật kỹ lưỡng để cắt đứt nguồn lưu tồn trên tàn dư thực vật; Làm đất kỹ và chọn giống chống chịu với bệnh; Bón phân cân đối, hạn chế bón thừa đạm và phun phân bón qua lá có hàm lượng phân đạm cao; Sạ thưa 80-120 kg/ha để tán lá thông thoáng;Thăm đồng thường xuyên theo dõi bệnh và có biện pháp phòng trị kịp thời; Sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn như Sai pan 2SL, Alpine 80WG (phun luân phiên giai đoạn lúa trổ thoát vài bông và sau trỗ đều, có thể phối hợp (Trizole 400SC, Pylacol 700WP) ngừa bệnh đạo ôn và lem lép hạt.
Nguyễn Chung-TTKN-GCT,VN&TS ĐĂK LĂK