Phát triển kinh tế với mô hình nuôi thỏ tại xã Ea Sar, huyện Ea Kar
Cập nhật lúc: 04/08/2017
Cập nhật lúc: 04/08/2017
Ngoài những đối tượng vật nuôi gần đây đang phát triển rất mạnh trên địa bàn xã Ea Sar: heo rừng lai, bò, gà, dê thì con thỏ đang là đối tượng nuôi mới mà bà con nơi đây đang muốn hướng đến nhằm góp phần phần đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn xã
Tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Tranh - chủ trang trại trại nuôi thỏ Đại Việt – thôn 9 xã Ea Sar huyện Ea Kar nhân dịp Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại huyện Ea Kar, tôi có cơ hội tìm hiểu về nghề chăn nuôi mới này. Con thỏ không còn là con vật xa lạ đối với người chăn nuôi nhưng đối với người dân xã Ea Sar thì nó thật sự là mới và anh Tranh là người tiên phong đi đầu.
Trước khi đến với nghề nuôi thỏ, anh đã chăn nuôi rất nhiều các đối tượng khác nhau: gà, ngan tuy nhiên với áp lực cung cấp thức ăn tinh anh nhận thấy không phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và quyết định chuyển sang nuôi thỏ vì việc bỏ ra chi phí đầu tư con giống ban đầu không cao và thức ăn lại dễ lựa chọn.
Bắt đầu nuôi thỏ từ năm 2008, với quy mô chỉ 60 con thỏ thịt tại xã Ea Knốp sau đó nhận thấy nuôi thỏ có khả năng phát triển tốt, đầu ra tương đối ổn định anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại tại thôn 9 xã Ea Sar huyện Ea Kar và hiện nay số lượng tổng đàn thỏ của nhà anh đã lên đến 5000 con trong đó có 500 con cái và 70 con đực, mỗi năm cùng với việc chăn nuôi thỏ và các dịch vụ cung cấp trong chăn nuôi, sau khi trừ chi phí anh thu về khoảng 500 triệu đồng. Ngoài việc cung cấp thỏ giống, thỏ thịt, anh còn cung ứng các dịch vụ trong chăn nuôi: lồng nuôi thỏ, bồ câu, gà, lắp đặt hệ thống van uống nước, inox tự động và vacxin trong phòng trị bệnh cho thỏ đặc biệt là vacxin bại huyết.
Anh Tranh chia sẻ: “Giống thỏ nuôi tại trang trại chủ yếu là giống ngoại nhập: Newzeland; Caliphornia, thỏ bướm (Pháp), có đặc điểm sinh sản tốt, thức ăn dễ kiếm, hơn nữa vật nuôi lại rất thích hợp với khí hậu ở Việt Nam tuy nhiên để nuôi thỏ thành công cần quan tâm đến việc vệ sinh máng ăn, máng uống đến vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho thỏ đều phải cẩn thận, sạch sẽ mới giúp cho thỏ phát triển tốt.
Hình ảnh trang trại thỏ Đại Việt
Tham quan hệ thống chuồng trại mới thấy được sự đầu tư, tâm huyết của anh. Mô hình trang trại được xây dựng khá quy mô, với diện tích 1000 m2 anh xây dựng khu chuồng trại kiên cố, khung kèo và xà gồ bằng sắt, trên mái được bố trí lớp tôn xốp chống nóng, chuồng trại được thiết kế thành từng dãy, mỗi dãy ngăn thành từng lồng, chia lồng thành từng ngăn để nuôi thỏ, kích thước mỗi ngăn cỡ 50cm x 70cm. Lồng nuôi thỏ được thiết kế bằng inox đặt trên các trụ cách đất khoảng 50 – 60cm. Dưới đáy lồng phải có khe hở để thoát phân và tận dụng được phân thỏ để bón cho cây thức ăn cho thỏ. Thường thì mỗi một chuồng nuôi có trang bị một máng đựng thức ăn tinh và vòi uống nước tự động.
Trao đổi về vấn đề dịch bệnh trên thỏ, Anh Tranh tâm sự “Có được những thành công bước đầu như ngày hôm nay, anh đã trải qua biết bao thăng trầm với con thỏ . Những ngày đầu chăn nuôi thỏ, do chưa nắm bắt được kỹ thuật và đây lại là đối tượng nuôi mới, bà con trong vùng chưa ai từng nuôi nên thỏ hay bị chết do bị bệnh đường ruột, bại huyết dẫn đến có năm anh đã phải dẹp trại vì dịch bệnh trên thỏ nhưng vì quyết tâm theo đuổi với nghề, anh đã không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm các trang trại khác trong tỉnh, các cơ quan khuyến nông cấp huyện, cấp tỉnh cũng như ở các địa phương có chăn nuôi thỏ phát triển để học hỏi kỹ thuật.
Anh Tranh với gian hàng trưng bày tại Diễn đàn @ khuyến nông nông nghiệp
Trong thời gian sắp tới, anh Tranh mong muốn huy động thêm nhiều bà con trong vùng chăn nuôi thỏ và thành lập các tổ hợp tác để đầu ra cho thỏ thương phẩm được ổn định, dần tạo thành một chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
Theo ông Trần Văn Âm – Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Định hướng phát triển ngành chăn nuôi của xã EaSar và huyện Ea Kar sẽ phát triển chăn nuôi của địa phương theo hướng trang trại , sản xuất nông hộ có tổ chức hợp tác xã, câu lạc bộ, doanh nghiêp để tạo ra vùng nguyên liệu, tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu sản phẩm cho địa phương: như thành lập Hợp tác xã chăn nuôi với các sản phẩm heo rừng lai; thỏ, dê…trên địa bàn xã”. Hi vọng đây sẽ là một hướng đi tốt để cho những trang trại như trang trại thỏ nhà anh Tranh có cơ hội phát triển , góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Hoàng Liên